03/12/2017 13:38 GMT+7

Bộ KH-ĐT: 'Chậm giải ngân vốn metro số 1 do TP.HCM hiểu sai'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Kế hoạch và đầu tư xác định trách nhiệm làm chậm giải ngân vốn là do TP.HCM hiểu sai chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan chưa giám sát chặt chẽ trong điều chỉnh vốn đầu tư và triển khai dự án.

Bộ KH-ĐT: Chậm giải ngân vốn metro số 1 do TP.HCM hiểu sai - Ảnh 1.

Vấn đề chậm giải ngân vốn tại dự án metro số 1 sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-2018 - Ảnh: Tuoitre.vn

Đó là thông tin được Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và bố trí kế hoạch vốn nước ngoài cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên).

Cụ thể, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng TP.HCM đã có sự hiểu khác nhau khi cho rằng dự án đã được phê duyệt tổng mức điều chỉnh nên không báo cáo Thủ tướng khi chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Đồng thời, thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư điều chỉnh được phê duyệt.

Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là chưa phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng việc Quốc hội chưa có ý kiến đối với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án.

Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc thống nhất giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Cơ quan này cũng xác định trách nhiệm của mình trong giám sát đầu tư, chưa kịp thời phát hiện vấn đề để phối hợp với thành phố và các bộ, ngành liên quan báo cáo Quốc hội sớm có ý kiến về điều chỉnh dự án, làm căn cứ triển khai và ứng vốn.

Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng vướng mắc hiện nay của dự án là Quốc hội chưa có ý kiến về việc điều chỉnh dự án và tăng tổng mức đầu tư theo quy định; chưa xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt và dự kiến điều chỉnh. Trong khi đó, tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài của TP.HCM chưa đủ điều kiện để bổ sung hoặc ứng trước vốn nước ngoài theo quy định.

Do vậy, bộ đã kiến nghị cần giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với TP.HCM, Bộ Tài chính cập nhật, rà soát việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội; xác định rõ giá trị vay lại của dự án; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5-2018 để phê duyệt tổng mức đầu tư, làm căn cứ triển khai dự án.

Trường hợp cần thiết và do áp lực thiếu vốn, cho phép UBND TP.HCM tạm ứng vốn từ nguồn vay lại để chi trả các hạng mục xây lắp, hoàn trả khi điều chỉnh dự án được phê duyệt và mức vốn cấp phát từ ngân sách trung ương được xác định, phân bổ.

Đồng thời, UBND TP.HCM cần chỉ đạo giải ngân hết số vốn nước ngoài đã được giao trong năm 2017, trường hợp vẫn thiếu vốn thì cần có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư để làm thủ tục ứng trước vốn.

Giải ngân vốn ODA phải có dự toán và theo kế hoạch, không giải ngân theo tiến độ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm qua, dự án đã nhiều lần điều chỉnh và thay đổi quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công.

Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 17.387,6 tỉ đồng với thời gian thực hiện đến năm 2015 và đã ký 01 hiệp định vay trị giá 20,887 tỉ yên.

Đến năm 2010, UBND TP.HCM xin Thủ tướng điều chỉnh dự án với tổng mức điều chỉnh là 47.325,4 tỉ đồng, nhưng chưa nêu rõ giá trị phần vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn địa phương vay lại.

Tháng 8-2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn đồng ý với UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành.

Sau đó, TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư trên 47.325 tỉ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cũng có báo cáo Quốc hội về dự án, nêu rõ nguyên nhân, lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trong năm 2012, Thủ tướng cũng đã có ý kiến về nguyên tắc, cơ chế tài chính áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng tàu điện ngầm.

Theo đó, ngân sách trung ương cấp phát phần vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho vay lại phần mua sắm thiết bị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự án Metro số 1 được cấp phát vốn ODA đối với hạng mục xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng phải xác định được giá trị cấp phát để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho dự án. Có nghĩa, giải ngân vốn ODA phải có dự toán và theo kế hoạch, không giải ngân theo tiến độ.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên