Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương lấy ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM - tuyến đường vành đai lớn nhất vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến sử dụng khoảng 69.665 tỉ đồng vốn đầu tư công và có đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc biệt.
Do đó dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Căn cứ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và nghị định 29 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan nghiên cứu, có ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
UBND TP.HCM có trách nhiệm cung cấp hồ sơ dự án gửi các cơ quan nêu trên để có ý kiến.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng chiều dài dự án vành đai 4 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là 159,3km. Trong đó, dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,2km, qua Đồng Nai 46km, qua TP.HCM dài khoảng 16,7km, qua Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua TP.HCM dài 3,8km).
Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,9km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh thông qua.
Về quy mô giai đoạn 1, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn.
Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 122.774 tỉ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, ngân sách tham gia khoảng 69.665 tỉ đồng, còn nhà đầu tư khoảng 53.109 tỉ đồng (tương đương khoảng 43% tổng mức đầu tư).
Thời kỳ phát triển mới cho Đông Nam Bộ
Liên quan đến dự án này, trong bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ Online mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vành đai 4 là dự án quy mô lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước tới nay, nhằm triển khai cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt gần đây và sắp tới là TP.HCM.
Theo ông Mãi, vành đai 4 tạo tiền đề quan trọng để các tỉnh trong vùng mở ra thời kỳ phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đây là thời điểm hội tụ sự quyết tâm, đồng lòng để các địa phương dồn sức đầu tư hoàn thành công trình mang tính chiến lược, đột phá cho cả vùng.
Với các cơ chế, chính sách đặc biệt đã được đề xuất, khi Quốc hội thông qua, dự án vành đai 4 còn kỳ vọng sẽ triển khai nhanh hơn cả đường vành đai 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận