12/01/2016 09:35 GMT+7

Bỏ học để khởi nghiệp?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Rất nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi đã được đưa ra khi câu hỏi trên được một bạn trẻ nêu ra tại diễn đàn Khởi nghiệp trẻ 2016 sáng 10-1.

Một sinh viên đang tham gia thảo luận chủ đề “Có nên bỏ học để khởi nghiệp” tại sự kiện ngày 10-1 - Ảnh: C.Nhật
Một sinh viên đang tham gia thảo luận chủ đề “Có nên bỏ học để khởi nghiệp” tại sự kiện ngày 10-1 - Ảnh: C.Nhật

Diễn đàn do CLB Kỹ năng doanh nhân - trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Ngoại thương TP.HCM tổ chức.

Một bạn nữ (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ trước mọi người về việc bạn ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp từ lớp 11. Ý tưởng đó đeo đuổi bạn đến khi đã là sinh viên năm hai, nhất là khi bạn tìm hiểu và thấy Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg... đều bỏ học và khởi nghiệp thành công.

“Những câu chuyện trên truyền cảm hứng mãnh liệt, thôi thúc tôi... ngừng học. Tôi thậm chí lúc đó nghĩ rằng bản thân không nên sống một cuộc sống tầm thường, tôi muốn thay đổi xã hội như họ” - bạn nói. Nhưng nhờ sự khuyên răn quyết liệt, chân tình của một người bạn thân mà bạn đã không chọn hướng đi trên.

Trước tâm sự của bạn nữ trên, chị Trương Lý Hoàng Phi (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp) cho rằng truyền thông thường có xu hướng đẩy những gì khác biệt trở thành hiện tượng.

“Thứ nhất, ở môi trường một số nước thì ngay từ nhỏ, người học đã được giáo dục về tầm quan trọng của việc tự học và khả năng sáng tạo. Ngoài ra, mọi người thường cho rằng những người được đào tạo bài bản thì thành công là đương nhiên, còn người không học mà thành công mới đáng nói... trong khi họ quên rằng số lượng đó là rất ít, chỉ là đáy của một cái phễu” - chị Phi phân tích.

Chưa kể “cũng đừng nên loại trừ khả năng mình sẽ khởi nghiệp thất bại, lúc đó mình sẽ xoay xở ra sao khi bắt đầu lại mà không có kiến thức chuyên môn, bằng cấp gì?” - chị Phi bổ sung.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm bản thân lẫn đúc kết từ các nghiên cứu đã đọc được, anh Ngô Minh Hải (giám đốc tài chính Quỹ PVNI) cho rằng để trở thành một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sự lao động miệt mài trong khoảng hai năm rưỡi đến ba năm.

“Các bạn học xong ĐH rồi khởi nghiệp cũng tốt. Còn nếu thấy kiến thức và thời cơ đã chín, bản thân đã kiên trì lao động, học hỏi trong thời gian dài, quyết đeo đuổi đam mê đến cùng thì dừng học để khởi nghiệp cũng tốt” - anh Hải nói.

Là người trong cuộc khi từng bỏ học chương trình thạc sĩ tại Mỹ để về VN khởi nghiệp, anh Trần Nguyễn Lê Văn (CEO vexere.com) cho biết bản thân vừa đồng tình nhưng cũng băn khoăn trước câu hỏi trên.

“Tôi bỏ học chỉ vì đi học mà lúc nào ý tưởng đó cũng tràn ngập trong đầu, học môn gì tôi cũng nghĩ về sự liên quan giữa môn học với dự án của mình. Tôi lục tung sách vở, tài liệu để đọc những gì dính dáng đến ý tưởng của mình. Khi thấy kiến thức trên trường không còn giúp ích trong khi thời gian là có giới hạn thì tôi mới quyết định nghỉ học hẳn” - anh Văn nhớ lại.

Tuy nhiên, anh Văn khẳng định nhờ học cao học mà anh được truyền cảm hứng bởi những người thầy của mình. “Một người thầy đã ủng hộ ý tưởng của tôi trong khi nhiều người chê cười. Và cũng nhờ học cao học mà tôi được một người bạn cùng lớp cho biết mô hình của tôi đã được áp dụng thành công tại Ấn Độ. Những điều trên tạo giá trị tích cực, hun đúc niềm tin trong tôi” - anh Văn cho biết.

Anh Văn dẫn lại câu nói nổi tiếng của Steve Jobs liên quan đến “connecting the dots” và cho rằng mỗi thứ chúng ta làm trong quá khứ đều hỗ trợ tương lai. Vì thế, khởi nghiệp đồng nghĩa với việc phải “ngụp lặn” trong biển học. “Bạn phải học hoài, học mãi, mở mắt ra là phải học. Cá nhân tôi phải học từ quản lý nhân sự đến sản phẩm, tiếp thị, kinh doanh... Những người có tố chất khởi nghiệp nhất thiết phải có khả năng tự tìm tòi, tự nghiên cứu và quyết tâm đến cùng” - anh Văn nêu quan điểm.

Ông chủ Tập đoàn Microsoft Bill Gates trong những lần chia sẻ với giới trẻ gần đây đều lặp lại lời nhắn nhủ chân tình: “Đúng là tôi đã bỏ học và thành công, nhưng xin đừng làm giống tôi. Có một tấm bằng thì vẫn đảm bảo tương lai của các bạn hơn”. Và ông khẳng định sẽ có một ngày quay lại giảng đường dù ông hiện đã ngồi trên “ngai vàng” cao nhất của tiếng tăm và tiền bạc.

Malcolm Gladwell, tác giả quyển sách trứ danh Outliers (Những kẻ xuất chúng) đã quan sát rất nhiều cá nhân tài năng và đúc kết chỉ có lao động nghiêm túc trên 10.000 giờ (chứ không phải tài năng) mới giúp con người có thể trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình theo đuổi.

Mặc cho lời khuyên trên, hiện vẫn có rất nhiều bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp không cần học hành, không cần bằng cấp. Còn bạn nếu khởi nghiệp, bạn chọn lối nào?

Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình cùng Nhịp sống trẻ: [email protected]

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên