Một người dân đem theo sổ hộ khẩu để làm hộ chiếu tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại buổi họp báo giải về đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, Thượng tá Trần Hồng Phú, phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), cho biết từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay CMND vẫn tiến hành bình thường như cũ.
Nghị quyết 112 của Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục.
Nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 3.000 tỉ đồng, thực hiện bằng ngân sách nhà nước.
Vấn đề là hiện nay dự án này chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nên vướng vào vấn đề bố trí vốn. Hiện Chính phủ giao Bộ Công an ứng tiền thực hiện trước một số dịch vụ trong năm nay.
Thượng tá Trần Hồng Phú - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Kinh phí này được dùng đầu tư hệ thống kỹ thuật từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện đến hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, đầu tư đường truyền đến cấp xã cùng nhiều hệ thống phần mềm, quản trị, đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ. Có nhiều hạng mục đầu tư.
Bộ Công an đã triển khai cấp căn cước công dân mới trên 16 tỉnh thành, còn lại 47 địa phương đang triển khai cấp CMND cũ 9 số, khi có yêu cầu cấp mới, cấp đổi thì vẫn cấp như bình thường.
Đến năm 2020 triển khai cấp căn cước công dân trên cả nước thì CMND (cũ) vẫn có hiệu lực. Theo quy định, CMND có giá trị sử dụng 15 năm, nếu không có nhu cầu đổi thì người dân có thể sử dụng đến khi nào hết hạn.
Phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhiều luật
Luật sư Nguyễn Thế Truyền NGUYỄN THẾ TRUYỀN (Đoàn luật sư Hà Nội)
Việc thay đổi cách quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia còn phải làm rất nhiều việc.
Cụ thể là phải sửa đổi hàng loạt đạo luật, nghị định và thông tư để phù hợp với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Trong đó có 2 đạo luật quan trọng là Luật cư trú và Luật căn cước công dân.
Để tất cả người dân có giấy tờ tùy thân
Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)
Tôi có băn khoăn là hiện nay ở ngay tại TP.HCM có rất nhiều người dân không có hộ khẩu, không có mảnh giấy nào để chứng minh nhân thân của mình.
Ví dụ nhất là những người đi vùng kinh tế mới từ sau năm 1975 rồi trở về. Con cái họ cũng chẳng được học hành và cũng không có giấy tờ gì.
Việc thông qua nghị quyết và thay đổi cách quản lý dân cư theo cách mới cần phải làm sao để tất cả người dân đều được công nhận, có đầy đủ giấy tờ tùy thân.
Trung tá VÕ THÀNH LONG (trưởng Công an phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) :
Là địa bàn có khoảng 60.000 dân, trong đó có đến hơn 50% là người dân tạm cư, được quản lý bằng sổ tạm trú.
Phường chúng tôi có 18 cảnh sát khu vực trông nom và quản lý về mặt hành chính đối với những cư dân này. Cứ lấy con số mà chia ra thì trung bình mỗi cảnh sát khu vực phải chịu trách nhiệm quản lý hơn 3.000 nhân khẩu. Đó là một con số lớn.
Việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, CMND sẽ thuận lợi rất nhiều cho công tác quản lý dân cư.
Bởi hiện nay, để ghi nhận và lưu trữ hồ sơ liên quan đến nhân khẩu tại địa bàn, cảnh sát khu vực phải làm thủ công, bằng tay và lưu giữ tài liệu mất nhiều thời gian và rủi ro, có thể làm thất lạc các hồ sơ đó.
Quản lý được bằng dữ liệu điện tử thì chỉ cần có phần mềm và máy tính là lưu giữ được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận