Dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn theo mô hình Airbnb đang ngày càng phổ biến, song cũng kéo theo nhiều phiền toái cho cư dân chung cư.
Airbnb bị cấm cửa, nhà đầu tư chới với
Thời gian qua, hàng loạt các chung cư ở TP.HCM đã treo biển cấm kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày theo ngày và theo giờ. Trong đó, một số chung cư còn "cấm cửa" khách lưu trú theo mô hình Airbnb vào tòa nhà.
Mới đây nhất, chung cư RiverGate cũng treo bảng cảnh báo "sử dụng căn hộ chung cư để ở cho mục đích kinh doanh dịch vụ lưu trú theo giờ, ngắn ngày là vi phạm pháp luật".
Bà Nguyễn Thương Hoài (ngụ TP Thủ Đức) cho biết đã bỏ hàng tỉ đồng để mua một căn hộ chung cư tại RiverGate, đồng thời thuê các căn hộ và nhận quản lý giúp cho người quen để kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng căn hộ đang đảm trách vai trò quản lý (host) khoảng 15 căn.
Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, ban quản trị và ban quản lý ở các chung cư tại Bình Thạnh, quận 4 bắt đầu dẹp dịch vụ Airbnb khiến những người đã đầu tư căn hộ như bà lo lắng.
Theo bà Hoài, sở dĩ Airbnb được khách quốc tế lẫn khách trong nước chọn lựa là giá mỗi căn chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/ngày, du khách ở được 4-5 người và có tiện nghi như ở nhà. Tuy vậy, việc lưu trú này cũng có một số vấn đề gây phiền toái cho cư dân như du khách đi nhầm nhà, bấm nhầm chuông, say xỉn đóng cửa mạnh gây ồn ào…
Ngoài ra, cư dân không đồng tình để du khách dùng chung phòng gym, hồ bơi cũng như một số tiện ích công cộng.
Với việc ngăn không cho kinh doanh Airbnb, bà Hoài cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã đầu tư căn hộ khi nhiều người bỏ ra số tiền lớn để mua nhà, đầu tư nội thất nhưng lại không được kinh doanh.
"Chúng tôi sẵn sàng đóng thuế, chịu sự quản lý của Nhà nước cũng như không để du khách dùng phòng gym, hồ bơi để hạn chế ảnh hưởng đến cư dân, miễn có hành lang pháp lý rõ ràng để chấp hành", bà Hoài nói.
Tương tự, bà Thanh Hương (ngụ quận 4) cũng cho rằng các chung cư cấm cửa dịch vụ Airbnb khiến hàng chục host như bà chới với bởi những người mua căn hộ để kinh doanh đang còn phải trả ngân hàng hoặc những người đã đầu tư hàng trăm triệu vào làm nội thất mà chưa thu hồi vốn sẽ rất khó khăn, thậm chí trắng tay.
"Tôi thừa nhận những bức xúc của người dân là có, nhưng cấm hẳn thì lại ảnh hưởng đến những người dân đã mua căn hộ để đầu tư, có những người mua nhiều căn để kinh doanh Airbnb. Giả sử cấm thì buộc lòng phải tìm những người cho thuê dài hạn nhưng cái khó là ít người thuê căn 2-3 phòng ngủ", bà Hương nói.
Tranh luận nảy lửa quản hay cấm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chủ đầu tư tại TP.HCM cho biết nhiều người mua căn hộ tại các quận trung tâm như quận 1 và quận 4 với mục đích cho thuê lại hoặc kinh doanh Airbnb. Con số này có thể lên đến 60% ở một số tòa nhà.
Tuy nhiên vị này cho rằng sau khi bàn giao, việc sử dụng căn hộ như thế nào là quyền của chủ sở hữu và ban quản trị, ban quản lý tòa nhà nên chủ đầu tư không can thiệp.
Bà Trần Minh Ái, giám đốc cấp cao bộ phận quản lý bất động sản Savills TP.HCM, cho biết dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày tại các dự án chung cư khá phổ biến tại các tòa nhà nằm trong khu vực quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh.
Theo bà Ái, dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn hạn có ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân, chất lượng cuộc sống cũng như các tiện ích và cơ sở vật chất chung như thang máy, hồ bơi và phòng gym cũng được dùng nhiều hơn.
"Việc dùng nhiều các tiện ích chung như thang máy, hồ bơi và phòng gym dẫn đến hao mòn nhanh chóng và tăng chi phí bảo trì của tòa nhà. Tình trạng này ảnh hưởng không chỉ đến tài chính của dự án mà còn đe dọa chất lượng cuộc sống của cư dân lâu dài", bà Ái nói.
Lãnh đạo một đơn vị quản lý các chung cư cho biết luật cấm dùng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở nhưng hoạt động Airbnb vẫn gây nhiều tranh cãi, thậm chí đã có những "cuộc chiến" giữa cư dân và các host liên quan đến quyền lợi của các bên. Dẫn đến ban quản trị các tòa nhà yêu cầu ban quản lý phải cấm, không cho kinh doanh Airbnb để bảo vệ quyền lợi của cư dân đang sinh sống tại các tòa nhà.
Vị này cho rằng cần phải có hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan chức năng, cụ thể Airbnb có được phép hoạt động hay không. Nếu cho phép Airbnb tồn tại, cần quản lý bởi các quy định, đồng thời người kinh doanh cũng phải đóng các phí dịch vụ cao hơn bởi tần suất dùng các tiện ích nhiều hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nếu dùng căn hộ cho thuê theo Airbnb, cần phải bắt buộc bên cung cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh, nộp thuế và chịu trách nhiệm quản lý khách thuê chấp hành nội quy chung cư.
Bà Nguyễn Hoàng Lan (cư dân một chung cư tại quận Bình Thạnh) cho rằng các cơ quan quản lý cần hết sức cân nhắc đối với dịch vụ Airbnb trong chung cư bởi cuộc sống và không gian sinh hoạt của người dân có ảnh hưởng, nhất là vào các ngày cuối tuần. Theo bà Lan, để hạn chế những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ các căn hộ, cần quy định chặt chẽ để ràng buộc, nếu cấm kinh doanh Airbnb thì mọi người đều phải chấp hành.
Luật Nhà ở 2023 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó cấm: "Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép". Việc cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" cũng đã quy định tại Luật Nhà ở 2014.
Theo các chủ nhà cho thuê Airbnb, nếu kinh doanh tốt, số lượng khách thuê cao, sau khi trừ đi các chi phí dịch vụ, vệ sinh... thì lợi nhuận trên mỗi căn nhà là khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Với những host có số lượng căn hộ tương đối lớn, sau khi trừ đi các chi phí dịch vụ, quảng cáo, số lãi thu về tối đa khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận