TTCT - Cuối tuần qua, trong số những khuyến nghị quan trọng gửi đi từ cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” là bỏ hạn điền và bỏ hạn chế về chuyển nhượng đất trồng lúa... Một nhận xét được nhấn mạnh là quyền tài sản về đất nông nghiệp bị hạn chế nghiêm trọng, thời hạn sử dụng vẫn không phải là không xác định như đất ở, bị thu hồi với giá trị bồi thường thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp không được mua đất lúa để trồng lúa... Dù nhiều quyền nhưng lại đi kèm rất nhiều điều kiện nên rất khó thực hiện, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. Trong các cuộc khảo sát thực địa về phát triển nông nghiệp gần đây, sự bế tắc của người nông dân, của chính quyền địa phương trong làm nông nghiệp là điều chúng tôi được chia sẻ nhiều nhất. Vấn đề đã rất rõ: ruộng đất manh mún, canh tác thủ công, sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp tràn lan, bài toán đầu ra cho nông sản... Và lời giải cũng đã bắt đầu được chính quyền từ trung ương đến địa phương nhìn thấy: thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia nông nghiệp. Bởi chỉ khi DN tham gia một cách bài bản vào thị trường nông nghiệp, công nghệ canh tác mới thay đổi, an toàn nông sản mới được đảm bảo, và bài toán giá trị sản phẩm cũng như đầu ra được giải quyết tốt hơn. Và để DN có thể tham gia, một nút thắt quan trọng đang tìm cách tháo gỡ: bỏ hạn điền để cho phép tích tụ đất đai. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi gỡ bỏ hạn điền lại ít được đề cập, đó là xử lý vấn đề quyền thu hồi đất của các cơ quan hành chính vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Từ rủi ro cho người sử dụng đất Cách đây hơn một năm, trong chuyến thực địa ở một tỉnh bắc miền Trung, chúng tôi được địa phương giới thiệu đến khảo sát một dự án nông nghiệp được coi như điển hình cho việc thu hút DN tham gia vào thị trường nông nghiệp ở địa phương. Dự án nuôi bò thịt của một DN lớn thực hiện ở một huyện nghèo của tỉnh. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với người dân, quá trình chính quyền địa phương thu hồi đất của người dân để chuyển giao cho DN sử dụng thực sự khiến chúng tôi quan ngại. Ngoài một phần diện tích đất vốn lấy từ nông trường quốc doanh cũ chuyển sang cho DN, phần lớn diện tích còn lại mà DN muốn sử dụng được địa phương lấy từ đất sản xuất lâm nghiệp đang canh tác của người dân. Quá trình thu hồi - chuyển giao này diễn ra không hề suôn sẻ. Phần đất đó người dân đang trồng cây keo, kết hợp với sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày. Theo tính toán cũng như thực tế kinh doanh của người dân, sau khoảng sáu năm trồng và chăm sóc, họ có thể bán được một lứa keo. Số tiền thu được sau hai vụ như vậy (12-15 năm) tương đương với số tiền mà địa phương đang muốn bồi thường cho người dân. Trong khi thời hạn giao đất lâm nghiệp cho người dân thường kéo dài 50 năm. Người dân cho biết họ đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang đợi chính quyền thực hiện. Như vậy, nếu việc thu hồi và chuyển giao đất theo phương án mà chính quyền yêu cầu, phần thiệt thuộc về người dân. Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết DN thực sự không làm việc trực tiếp với người dân địa phương để mua lại quyền sử dụng đất. Thông qua chính quyền cấp tỉnh, DN lập dự án và xin phê duyệt đầu tư. Và khi được tỉnh phê duyệt, chính quyền cấp huyện đứng ra thu hồi đất theo chủ trương thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi việc thu hồi hoàn tất, đất sẽ được giao lại cho DN thuê. Cách làm như vậy không những khiến người dân địa phương đang có đất và canh tác trên đất không hài lòng, mà còn đặt chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã ở vào thế kẹt: một mặt, họ chịu sức ép từ tỉnh giao phải thu hồi bằng được đất để chuyển sang cho DN. Một mặt, người dân địa phương quyết liệt phản đối vì giá trị đền bù quyền sử dụng đất đó không phản ánh đúng giá trị thị trường, thời gian thu hồi ngắn khiến họ hoàn toàn lúng túng trong việc chuyển đổi sinh kế. Thời điểm chúng tôi khảo sát ở địa phương này, sau rất nhiều cuộc họp giữa người dân địa phương và tổ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được thống nhất. Nhưng những căng thẳng trên thực tế đã nảy sinh. DN khiến người dân bất bình vì làm hàng rào phong tỏa, chỉ chừa lối đi nhỏ vào những khoảng đất của người dân còn xen kẹt trong phần đất họ đã nhận bàn giao. Ngược lại, khi bò từ vùng sản xuất của DN đi sổng vào đất của người dân, người dân giết thịt thay vì trả lại cho DN. Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã với người dân cũng căng thẳng, bởi lẽ người dân cho rằng chính quyền đang tiếp tay cho DN lấy đất. Đến thiệt hại khi bị thu hồi đất Luật đất đai năm 2013 dù làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội nhưng phạm vi quy định vẫn quá rộng. Khoản 3d của điều 62, trao cho cơ quan hành chính nhà nước quyền thu hồi đất của người dân ở lĩnh vực: thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... Nhưng trong bối cảnh hiện nay, một khi mở cánh cửa hạn điền mà không thu hẹp lại “cánh cửa thu hồi đất” thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh: Thứ nhất, DN, đặc biệt là những DN lớn, DN thân hữu, sẽ tìm cách vận động chính quyền tỉnh, lập dự án nông nghiệp và mượn “bàn tay” nhà nước để đứng ra thu hồi đất. Kịch bản như câu chuyện “DN nuôi bò thịt” kể trên sẽ lặp lại. Cách làm này vừa nhanh chóng cho DN, lại giúp họ giảm đáng kể chi phí bởi không phải mua lại đất từ chủ sử dụng hiện tại theo giá thị trường. Hệ quả thứ hai và thứ ba cũng là một phần xuất phát hệ quả của điều thứ nhất. Đó là DN thân hữu sẽ “mượn tay” chính quyền thu hồi đất với giá rẻ thông qua vỏ bọc là đầu tư dự án nông nghiệp, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại và nhà ở. Việc quy hoạch không minh bạch và tình trạng tuân thủ quy hoạch kém như hiện nay, không khó để DN “phù phép” chuyển đất nông nghiệp sang đất thương mại. Nói cách khác, bỏ hạn điền mà không giảm lĩnh vực thu hồi đất sẽ “mở toang” cánh cửa cho các DN thân hữu lấy đất một cách “hợp pháp” và người nông dân sẽ thiệt thòi, chính quyền địa phương thêm gánh nặng. Hơn thế, một hệ quả không tích cực khác: DN thân hữu chuyển nhượng đất giá rẻ, sau đó bán trao tay lại cho các DN khác thực sự có nhu cầu làm nông nghiệp. Kinh doanh “quan hệ” một cách “siêu lợi nhuận” này hoàn toàn có thể xảy ra, nhờ lợi dụng việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tiến trình “đầu cơ đất giá rẻ” dựa vào quan hệ thân hữu với người, cơ quan quyền lực nhà nước, trong lúc đó người có nhu cầu đất thực lại mất đi cơ hội tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường.■ Không nên thu hồi đất vì mục đích kinh tế? Chủ trương bỏ hạn điền là đúng đắn. Nhưng như đã phân tích, tiến trình sửa Luật đất đai để bỏ hạn điền cần song song với việc không cho phép chính quyền địa phương được phép thu hồi đất vì mục đích kinh tế. Mọi DN, cá nhân khi có nhu cầu tích tụ ruộng đất cần phải tự thỏa thuận theo quy định về dân sự với chủ sử dụng đất hiện hành để chuyển nhượng. Việc phải chuyển nhượng với giá thị trường, những khó khăn khi chuyển nhượng đất sẽ khiến DN thận trọng và có ý thức với mảnh đất mình mua. Khi đó chỉ những người có mục đích kinh doanh thật sự mới chuyển nhượng đất, hạn chế đầu cơ đất nông nghiệp. Hơn nữa, tiến trình chuyển nhượng đất đai theo giá thị trường cũng là tiến trình tốt nhất bảo vệ lợi ích chính đáng cho những người nông dân hiện đang là chủ của những mảnh đất nhỏ lẻ. Tags: Chuyển nhượng đấtHạn điềnGiá thị trườngBỏ hạn điềnĐầu cơ đất
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.