05/06/2024 21:58 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến siêu đề án metro tại Hà Nội và TP.HCM

TP Hà Nội và TP.HCM đã hoàn thiện dự thảo đề án với các nhóm cơ chế, chính sách đột phá để hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch.

Metro số 1 - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM dự kiến khai thác vào quý 4-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Metro số 1 - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM dự kiến khai thác vào quý 4-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 5-6, Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản tới cơ quan Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành… để xin ý kiến đối với dự thảo đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (đề án metro) tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, đến nay UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM đã dự thảo đề án tổng thể.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và để có cơ sở cho UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM hoàn thiện đề án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan nghiên cứu tham gia ý kiến về dự thảo đề án.

Văn bản tham gia ý kiến đề nghị gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15-6-2024 để phối hợp với hai thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án.

Theo dự thảo đề án, hai thành phố xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng.

Hiện nay tại TP Hà Nội đang có tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông dài 13km đã đưa vào vận hành khai thác.

Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km đang triển khai xây dựng.

Trong khi đó, tại TP.HCM, metro số 1 dài 19,7km dự kiến thai khác trong năm 2024. Metro số 2 dài 11,2km dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Còn metro số 5 đoạn Bảy Hiền - cầu Sài Gòn dài khoảng 9km đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các tuyến metro như mục tiêu đề ra tại kết luận 49 của Bộ Chính trị, đề án metro cần thiết phải xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Tại TP.HCM, đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183km. Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm.

Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 824.495 tỉ đồng (khoảng 34,39 tỉ USD). Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư.

Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.

28 cơ chế đột phá để làm nhanh 183km metro

Qua trao đổi với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội, Tổ công tác xây dựng đề án metro TP đã hoàn thiện 6 nhóm cơ chế chính sách với 28 cơ chế. Trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội. 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

6 nhóm cơ chế, chính sách gồm nhóm về quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác. Đây chính là tập hợp các chính sách đột phá chưa từng có để triển khai xây dựng 183km tại TP.HCM trong vòng 11 năm.

Phương án đầu tư đồng loạt 180km metro tại TP.HCMPhương án đầu tư đồng loạt 180km metro tại TP.HCM

TP.HCM đang xây dựng siêu đề án để hoàn thiện mạng lưới metro, theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên