17/10/2022 20:06 GMT+7

Bộ Giáo dục và Đào tạo tính việc đổi mới giáo dục mầm non

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Ngày 17-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến việc xây dựng chương trình mới ở bậc mầm non, hướng đến sự nhất quán với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tính việc đổi mới giáo dục mầm non - Ảnh 1.

Hội thảo bàn về việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020 - Ảnh: THẾ ĐẠI

Tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non", GS.TS Lê Anh Vinh - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trưởng Ban soạn thảo chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020 - cho rằng vấn đề giáo dục sớm từ lứa tuổi mầm non không chỉ dừng ở việc chăm sóc trẻ, mà cần chớp lấy cơ hội vàng để giúp trẻ hình thành năng lực, kỹ năng cần thiết.

Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020 có định hướng nhất quán với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai ở bậc phổ thông, chú trọng việc phát triển các năng lực, kỹ năng cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm, vui chơi. 

Chương trình sắp xây dựng sẽ đảm bảo chuẩn bị cho trẻ những năng lực, kỹ năng cần thiết để tiếp cận tốt Chương trinh giáo dục phổ thông 2018. Theo ông Vinh, đây sẽ là chương trình mở hơn cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho phép các trường và giáo viên có thể thực hiện linh hoạt.

Hiện ban soạn thảo chương trình mới đang bắt đầu giai đoạn nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, nghiên cứu và kế thừa những thành quả của chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 10 năm (2011-2020) để xây dựng một chương trình theo hướng tiếp cận năng lực, thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, hòa nhập, tạo điều kiện phát huy thiên hướng, tiềm năng sáng tạo của mỗi đứa trẻ.

Trước đó, trong trình bày về thành quả triển khai chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2020, ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết đây là chương trình khung quốc gia, thể hiện được tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng chất lượng giáo dục mầm non. Cùng với việc triển khai chương trình này tại 15.461 cơ sở mầm non, có nhiều sự thay đổi rõ rệt về số lượng huy động trẻ đến lớp, mở rộng mạng lưới trường lớp mầm non, bổ sung đội ngũ giáo viên…

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng hạn chế của chương trình giáo dục mầm non giai đoạn trước là chưa thể hiện việc phát triển năng lực, phẩm chất. Chương trình mới sẽ xây dựng theo tiếp cận năng lực, liên thông giữa giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông giữa chương trình giáo dục mầm non với giáo dục phổ thông 2018.

Bày tỏ quan điểm và chỉ đạo về việc này, ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng ở giai đoạn khởi động, cần phải nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới và phân tích kỹ chương trình hiện hành cả ở ưu, nhược điểm, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ chính giáo viên đang đảm nhiệm dạy học. Bộ trưởng Sơn cũng nhắc đến tính phù hợp với đối tượng trẻ em Việt Nam và điều kiện triển khai.

"Trong 2-3 năm tới khi triển khai chương trình thì điều kiện thực hiện về căn bản chưa có nhiều thay đổi. Vì thế việc xây dựng chương trình cũng cần lường trước những khó khăn", ông Sơn lưu ý.

Quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là cần kế thừa thành quả của chương trình cũ. Và khi đặt ra việc liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì những người xây dựng chương trình mầm non phải ngồi với những người làm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để rà soát, điều chỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu cân nhắc việc phát triển năng lực, kỹ năng đối với trẻ mầm non, đừng đặt ra những mục tiêu quá cao vì trẻ đang ở độ tuổi chưa ổn định. Ông cho rằng kỹ năng đáng quan tâm nhất của trẻ mầm non là kỹ năng sinh tồn, và năng lực quan trọng nhất là ngôn ngữ. Việc hình thành các năng lực, kỹ năng cho trẻ mầm non cũng phải chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi để xây dựng nội dung phù hợp.

Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa

TTO - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cần xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên