Mô hình giáo dục Phần Lan luôn là hình mẫu mơ ước của nhiều quốc gia - Ảnh: finland.fi
Những ngày qua dư luận khá quan tâm trước thông tin về việc Bộ GD-ĐT sẽ xem xét "nhập khẩu" chương trình GD của Phần Lan sau chuyến đi công tác Bắc Âu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Tuổi Trẻ cũng đề cập cụ thể về chuyến đi này với rất nhiều nội dung đã được kí biên bản ghi nhớ giữa các trường của VN và đối tác các nước mà Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai trò hỗ trợ, kết nối.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không đề cập đến việc mua bản quyền (nhập khẩu) chương trình giáo dục của Phần Lan mà mục đích chính của chuyến đi này chỉ để học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến ở Bắc Âu và thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở giáo dục 2 nước.
Để làm rõ hơn việc này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT.
* Theo ông Việt Nam có thể học tập, tham khảo được gì về chương trình giáo dục của Phần Lan?
- Có rất nhiều điều mà ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh… nhưng việc ta có áp dụng được những điều mà Phần Lan đang làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Ta có thể tham khảo chương trình giáo dục của Phần Lan để chọn những gì phù hợp với Việt Nam để áp dụng đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang xây dựng.
Tôi nghĩ sau chuyến công tác của Bộ trưởng, chúng tôi sẽ có nhiều việc phải làm trong đó có việc nghiên cứu kỹ thông tin tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nước về giáo dục của Phần Lan, việc áp dụng chưa thành công tại Indonesia và Thái Lan… sau đó mới có thể nói được ta sẽ tham khảo, áp dụng được gì chứ bây giờ còn quá sớm đến khẳng định điều gì.
* Vừa qua dư luận băn khoăn trước một số thông tin cho rằng trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Phần Lan có đề cập đến việc chúng ta có thể xem xét nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này?
- Trước hết, tôi khẳng định trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Phần Lan không hề nhắc đến việc "nhập khẩu" chương trình giáo dục của Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam.
Hai Bộ trưởng chỉ đặt vấn đề trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận với trình độ giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan.
Càng không bao giờ có chuyện chúng ta sẽ mang "nguyên xi" giáo dục Phần Lan hay bất kỳ nước nào về áp dụng vào Việt Nam và cũng không thể làm được.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến theo hướng có chọn lọc và phù hợp với điều kiện triển khai của Việt Nam ở cả bậc phổ thông và đại học. Tôi gọi đây là tư duy hội nhập có chọn lọc.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình xây dựng chương trình thì việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết.
Nền giáo dục phát huy hết năng lực của từng cá nhân
Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: NGỌC HÀ
Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Phần Lan được biết đến với những thành công nổi bật về giáo dục phổ thông. Trong kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng, Phần Lan luôn đứng thứ hạng cao.
Đã có hàng trăm đoàn tham quan từ các nước trên thế giới cùng nhiều chương trình, bài báo giới thiệu về những ưu việt của nền giáo dục nước này.
Phần Lan có một hệ thống giáo dục bình đẳng, công bằng, giúp học sinh phát huy hết năng lực của từng cá nhân để sau này hòa nhập dễ dàng với cuộc sống.
Yếu tố đầu tiên và then chốt góp phần vào thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên. Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo viên, xã hội kính trọng thực sự đối với nghề giáo, giáo viên lương không phải cao nhất nhưng được tôn trọng nhất.
Việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắt khe, tỉ lệ chọi là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được đi dạy. Giáo viên rất tự hào về nghề nghiệp của mình và họ được đào tạo bài bản để biết cách khơi dậy tiềm năng của từng cá nhân học sinh.
Yếu tố thứ hai là đầu tư của nhà nước, Phần Lan chi mạnh cho giáo dục. Yếu tố thứ ba là những người liên quan như phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục, chính phủ, báo chí… đều ủng hộ giáo dục một cách tích cực, xây dựng.
Mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nước này vẫn không ngừng đổi mới giáo dục, trên nền tảng vững chắc họ đã xây dựng được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận