"Bố già" Lê Văn Minh (trái) nói chuyện với một người dân ở Đắk Ngo - Ảnh: B.D. |
Trời nhá nhem tối, con đường dẫn từ trung tâm xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) ra thị trấn Kiến Đức lầy sâu như ao bùn.
“Toét! Toét!”. Tiếng còi cảnh sát giao thông vang lên. Phía trước đầu chiếc xe bán tải bê bết bùn đất của “bố già” Lê Văn Minh có một cảnh sát cầm gậy hỏi: “Chở cái gì mà đầy thế, gỗ lậu phía dưới phải không?”.
Ông Minh nhảy xuống, người dính bùn từ chân tới mặt, đáp: “Bố mày đi chở khoai giống vào cho bà con trồng đó con trai”.
Bí thư xã Đắk Ngo Lê Văn Minh cười vang khi kể chúng tôi việc mấy tháng nay ông đưa giống vào xã để trồng vườn khoai lang mô hình, cứ bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì nhầm là “lâm tặc”
Ông Minh cho biết làm bí thư, rồi cán bộ xã ở Đắk Ngo nhiều năm, điều làm ông buồn nhất là “thấy dân vẫn không thay đổi”. Xã vẫn nghèo xơ xác, hộ nghèo tới gần 1/2 xã.
Cuối năm 2015, ông tới Đắk Búk So thấy dân trồng khoai lang thu mỗi năm vài tỉ đồng mà thèm. Trong khi đó dân Đắk Ngo của ông vẫn nghèo xơ xác với ruộng bắp và cây cà phê nửa đực nửa cái.
Đầu năm 2016, khi tìm hiểu kỹ và chuẩn bị được nguồn giống, ông bắt đầu dọn vườn, chở giống về trồng thử nghiệm ở xã. Khi thấy ông đưa giống về, nhiều người bưng miệng cười và bảo: “Đất này mà trồng khoai lang thì chỉ có cho... dây chứ làm gì có củ”.
Gần nửa năm ròng rã, ông quây được một khu đất rộng tới 10ha, trong đó dành riêng 3ha thử nghiệm khoai lang Nhật Bản. Thấy ông say sưa kể về mô hình trồng khoai lang, người dân có đất cũng tự nguyện góp lại cho ông mượn để thực nghiệm.
Ông Minh đứng trước ruộng khoai, giọng khấp khởi rằng chỉ vài tháng nữa toàn bộ ruộng khoai sẽ xanh tốt và cho thu hoạch.
“Tôi thuê người dân ở các làng quanh đây tới làm công, trả 150.000-200.000 đồng/ngày. Bà con làm cho tôi thì thích lắm. Tôi cho họ trực tiếp tham gia tất cả các công đoạn, làm tới đâu chỉ tới đó. Nếu ruộng này thành công, toàn bộ giống sẽ được phát về, dân sẽ trồng khoai lang đại trà, tôi trực tiếp đi “tiếp thị” và hỗ trợ bà con bán ra ngoài” - ông nói.
Ông Minh hiện là bí thư xã Đắk Ngo. Nhưng ít ai biết ông xuất thân từ nông dân, một người quê gốc miền Bắc vào Tây nguyên lập nghiệp, được dân bầu lên làm thôn trưởng, rồi phó công an, trưởng công an xã. Năm 2006, ông Minh được điều về làm chủ tịch, năm 2015 làm bí thư xã.
Những ai ở Đắk Ngo những năm 2006 - 2008, giai đoạn xã này mới thành lập, đều biết Đắk Ngo hồi đó là nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ông Minh được điều về làm chủ tịch, cả trung tâm xã lúc đó chỉ có trụ sở UBND xã là sáng sủa.
Nhận nhiệm vụ được mấy hôm, một buổi sáng nhiều cán bộ xã bất ngờ khi thấy ông Minh không đi xe máy như thường lệ, mà “đánh” nguyên xe ủi của nhà mình vào đậu trước UBND xã. Ông bảo sẽ ủi đường.
“Lúc đó nhiều người không tin, tưởng ông xin được dự án nào đó, nhưng hóa ra ông Minh tự bỏ tiền túi làm” - một cán bộ xã nhớ lại.
Những ngày đó, thấy ông chủ tịch xã hì hục lái máy san ủi đường, nhiều người dân cũng vác cuốc, xẻng ra cùng làm theo. Chỉ vài tuần, từ con đường nhỏ chỉ vài lối đi cho xe máy lách qua thì một con đường lớn đã được mở ra, dân đi lại dễ dàng.
Hết làm đường lại đến cầu. Ông Minh tiếp tục đưa xe cẩu của nhà mình vào, huy động dân bắc cầu. “Hồi đó thấy ổng nhiệt huyết vậy, tôi lúc đó làm bí thư cũng cho chủ trương làm. Dân góp gỗ, mua đinh. Ông Minh có máy thì đưa máy vào, tiền xăng ổng chịu và trực tiếp lái luôn.
Cả bí thư, chủ tịch xã đứng ra cùng góp công góp của với dân làm cầu. Cầu xong, dân làng đi lại thuận lợi nên ai cũng mừng, coi ông Minh như “già làng” của tất cả các ngôi làng ở Đắk Ngo" - ông Vũ Ngọc Đạm, nguyên bí thư xã, hào hứng nói.
“Tôi có 5ha rẫy, vợ tôi là nhà giáo về hưu nên nói thật mình cũng có đồng ra đồng vào. Giờ tôi có mối quan tâm khác chứ không nặng về tiền bạc lắm. Vợ tôi bảo: “Ông đi làm bí thư xã làm gì, ở nhà phụ tôi chăm vườn còn nhiều tiền hơn”.
“Nhưng mà tôi thích thế, vô đây được uống rượu với bà con, mình giúp được cái gì cho họ thì giúp. Đời thế là sướng còn gì bằng” - ông Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận