09/03/2021 09:16 GMT+7

'Bố già' không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả

MI LY
MI LY

TTO - 'Bố già' là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Trấn Thành, nhưng không phải với tư cách diễn viên hay đạo diễn mà là nhà hoạch định chiến lược, người đọc vị công chúng, một nhà làm phim thấu hiểu khán giả.

Bố già không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả - Ảnh 1.

Trấn Thành và Tuấn Trần trong phim Bố già

Giới làm phim từng cho rằng không ai dám tự tin mình biết khán giả muốn gì, biết loại phim nào chắc chắn 100% ăn khách. Nhưng hiện tại khi cơn sốt Bố già đang bao trùm rạp Việt, có thể khẳng định: riêng ở thời điểm này, Trấn Thành chính là một nhà làm phim biết khán giả muốn gì.

Tính đến cuối ngày 8-3, tức sau gần bốn ngày chiếu sớm, Bố già đạt doanh thu gần 75 tỉ đồng. Phim tạo nên cơn sốt sâu rộng, nhận vô vàn lời khen và những giọt nước mắt nhưng vẫn đọng lại một số ý kiến trái chiều về chất lượng.

Trailer phim Bố già

Câu chuyện chưa đủ sức nặng

Lucas Luân Nguyễn, một cây bút về điện ảnh kiêm giảng viên thỉnh giảng môn phê bình điện ảnh tại Trường đại học Kinh tế tài chính TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ: "Bố già dù thành công vẫn chưa phải là một bộ phim xuất sắc".

Là khán giả lâu năm của điện ảnh thế giới và Việt Nam, Lucas cảm thấy Bố già chưa mang lại cho anh cảm giác điện ảnh và cảm giác "sướng" khi phim kết thúc. Khi bóc tách từng lớp lang của câu chuyện, anh thấy phim vẫn có nhiều điểm yếu cần cải thiện.

Anh nói: "Lần đầu xem tôi khá thất vọng, có phần ngỡ ngàng khi thấy nhiều khán giả dành lời khen có cánh cho phim. Nhưng sau vài ngày tôi 'nguôi giận'.

Bố già không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả - Ảnh 3.

Bên cạnh Trấn Thành, Lê Giang có một vai diễn dễ thương trong Bố già

Bộ phim rất giống nhân vật ông Ba Sang, đôi khi làm mình khó chịu nhưng cuối cùng thì vẫn xuất phát từ cái tâm, cái tình và mang lại những cảm xúc tích cực cho người xem. Vì thế, tôi thấy phim chưa xuất sắc nhưng vẫn xứng đáng với tình yêu của khán giả".

Điểm yếu của Bố già nằm ở kịch bản chưa đạt tầm vóc điện ảnh, câu chuyện chưa đủ sức nặng, phim không thực sự đặt ra được vấn đề và giải quyết vấn đề.

Một trong những mâu thuẫn chính của phim là 2 cha con quá thương nhau, tranh giành nhau để được hi sinh. Điều này rất ý nghĩa nhưng không phải là mâu thuẫn lớn, khiến câu chuyện trở nên yếu và gây cảm giác "làm quá" khi Ba Sang năm lần bảy lượt khước từ sự hi sinh của con trai Quắn.

Bố già không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả - Ảnh 4.

Về diễn xuất, Tuấn Trần có nhiều cảnh nổi bật và nhập tâm hơn Trấn Thành

Một số tình tiết đáng giá như lựa chọn nghề nghiệp của Quắn bị họ hàng coi thường (vấn đề rất nhức nhối với giới trẻ), bệnh tim và máu khó đông của Quắn, việc các chị em đối xử tệ bạc với Ba Sang khi ông sa cơ, người mẹ ruột tráo trở của bé Bù Tọt... được nhắc đến nhưng bị bỏ lửng, không rõ kết cục.

Kể về xóm lao động nghèo trong một con hẻm Sài Gòn, Bố già vẫn gây cảm giác sắp đặt, sân khấu và không đủ đời thường, xù xì như bối cảnh.

Thoại cũng mang tính truyền hình khi kể lể nhiều, thiếu tiết chế để đắt giá hơn. Những màn cãi nhau dù rất thú vị khi xem cũng diễn ra rất nhịp nhàng, đều đặn, tính toán kỹ lưỡng về câu chữ, vần vè đến cả từng chữ mỉa mai "sát thương" nên nghe thiếu tự nhiên.

Bố già không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả - Ảnh 5.

Chủ đề tình cha con, tình cảm gia đình vẫn đáng khai thác sâu hơn trong điện ảnh Việt

Không gì quan trọng bằng "đi vào lòng người"

Bố già là phim thương mại, giải trí dành cho số đông đúng nghĩa. Phim có chủ đề đại chúng, mang tính "toàn cầu": tình cha con, tình cảm gia đình. Nhưng nên nhớ không phải phim nào về chủ đề "toàn cầu" này cũng thành công. Nếu truyền tải cảm xúc giả tạo hoặc trình độ làm phim kém, phim về tình cảm gia đình vẫn thất bại như thường.

Còn Bố già được tính toán rất kỹ để mỗi tình tiết đều rất gần gũi, sát sườn với trải nghiệm sống của khán giả, để tất cả những ai có cha đều tìm thấy mình trong phim.

Mà tất cả chúng ta đều có cha. Có lẽ không ai xem Bố già mà không tìm thấy sự tương đồng với những khoảnh khắc nào đó của cuộc đời mình, ít hoặc nhiều.

Bố già không xuất sắc nhưng xứng đáng với tình yêu của khán giả - Ảnh 6.

Trấn Thành và Bố già xứng đáng với sự đón nhận của khán giả

Do đó bộ phim thực sự chạm, thực sự đi vào lòng người. Có khán giả viết: "Tôi không cần biết phim hay hoặc dở về nghệ thuật điện ảnh, tôi chỉ cần biết Bố già đã chạm đến trái tim tôi khiến tôi khóc trong rạp. Tôi chỉ cần biết xem xong Bố già tôi rất nhớ bố mình, và đúng là tôi chưa bao giờ chụp ảnh chung với ông ấy".

Để chạm vào trái tim khán giả, Bố già cũng đến từ trái tim, cụ thể hơn là của Trấn Thành. Nam diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất đã kể ra câu chuyện đến từ chính anh, gia đình anh, từ tình cảm của anh với cha mình và từ tâm sự của bạn bè quanh mình. Phim rất thật, rất riêng tư và thỉnh thoảng sa đà quá mức vào các màn đối thoại là vì vậy.

Với thành tích phòng vé, lựa chọn của khán giả luôn luôn đúng. Nhà làm phim tài giỏi đến đâu cũng không thể "lừa" khán giả yêu một bộ phim mà họ không muốn yêu.

'Bố già' và 'Gái già': cuộc chiến giàu nghèo

TTO - Gái già lắm chiêu V đưa khán giả vào Bạch Trà Viên nguy nga xứ Huế - nơi nhà giàu giành nhau cả báu vật lẫn tình yêu. Còn Bố già rẽ vào hẻm sâu Sài Gòn ngập nước - nơi nhà nghèo đùm bọc nhau bằng cả tình thương lẫn những lời chửi bới.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên