31/08/2017 13:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu Quảng Nam không để học sinh 'bơ vơ'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam có phương án đề xuất với tỉnh trên tinh thần “không được để học sinh không có chỗ học” đối với 1.285 học sinh ở Quảng Nam đã tốt nghiệp THCS.

Em Lê Quang Bảo (bên trái) lo lắng không vào được lớp 10 do phương án tuyển sinh của tỉnh chỉ lấy 90% số học sinh lớp 9 - ẢNH: Lê Trung
Em Lê Quang Bảo (bên trái) lo lắng không vào được lớp 10 do phương án tuyển sinh của tỉnh chỉ lấy 90% số học sinh lớp 9 - ẢNH: Lê Trung

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, 1.285 học sinh ở Quảng Nam đã tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện vào học lớp 10 nhưng đang có nguy cơ bỏ học do phương án tuyển sinh của tỉnh chỉ lấy 90% số học sinh lớp 9.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Nam, năm học 2016-2017, số học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào học công lập là 1450.

Nhưng số thực học tại các lớp giáo dục thường xuyên chỉ có 184, trong đó học sinh trong độ tuổi phổ thông (vừa tốt nghiệp THCS) chỉ có 178.

Chỉ 6/15 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện trên địa bàn tỉnh có học sinh học hệ bổ túc văn hóa.

Theo Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Nam, Nông Sơn là huyện không có học sinh học bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh trong năm học trước.

Năm học mới 2017-2018, do các huyện giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện nên Sở Giáo dục - đào tạo Quảng Nam yêu cầu Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện phải phối hợp để tiếp nhận học sinh học bổ túc văn hóa và bố trí các lớp học phù hợp với điều kiện đi lại của học sinh.

Hiện nay, các huyện bàn giao cho trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện 105 học sinh lớp 11 và 47 học sinh lớp 12.

Những huyện có khoảng 20 học viên trở lên thì mở lớp tại huyện còn nếu ít hơn sẽ ghép với học sinh các huyện lân cận.

Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Nam, đối với học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không trúng tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2017-2018, tùy theo nguyện vọng có thể chọn địa điểm học với các phương thức: học nghề; học chương trình giáo dục thường xuyên; học nghề kết hợp học chương trình giáo dục thường xuyên; tự học có hướng dẫn; học chương trình THPT tại các trường tư thục.

Cụ thể, có 10 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn, 3 trường phổ thông tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

Riêng học viên có nguyện vọng học giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Nam xây dựng phương án bố trí 16 lớp tại 16 địa điểm (tại các trường THPT ở các huyện).

Sau khi phương án trên được phê huyệt, Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Nam sẽ gấp rút triển khai việc chiêu sinh để những học sinh hiện đang chưa có chỗ học do không trúng tuyển vào các trường THPT công lập chuân bị nhập học kịp khai giảng năm học mới.

Theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục – đào tạo, việc nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động không hiệu quả, bộ đã nắm tình hình và lãnh đạo bộ đã giao cho Viện Khoa học giáo dục VN rà soát, đánh giá thực trạng.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, sẽ xây dựng các giải pháp giải quyết các bất cập nhằm đảm bảo mục tiêu phân luồng nhưng vẫn có các cơ hội cho người dân nói chung và học sinh nói riêng được học tập với các mô hình giáo dục mở trên tiến trình xây dựng xã hội học tập.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên