30/11/2020 00:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT phản hồi với Tuổi Trẻ về sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tối 29-11, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phản hồi với Tuổi Trẻ Online về những điểm chưa rõ trong trách nhiệm của Bộ liên quan tới sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô.

Bộ GD-ĐT phản hồi với Tuổi Trẻ về sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô - Ảnh 1.

Trường ĐH Đông Đô - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trước đó, theo kết luận của cơ quan điều tra về sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, có dấu hiệu Bộ Giáo dục và đào tạo buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho trường sai phạm.

Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của trường nằm trong quy trình

Giải thích về việc trong nhiều năm, Bộ đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2, dù trường chưa được phép đào tạo văn bằng 2, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm.

Theo giải thích, thì từ năm 2017 về trước, việc rà soát và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường được thực hiện trước khi trường công bố đề án tuyển sinh, và độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới.

Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Giáo dục và đào tạo) được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường, gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo, đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích). Việc rà soát và thông báo trên không chi tiết đến từng ngành đào tạo.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, vào thời điểm tuyển sinh, các trường mới phải căn cứ quy chế tuyển sinh để xác định chỉ tiêu cho từng ngành, từng hình thức đào tạo. Thực tế, nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở tuyển sinh một chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể.

Trường hợp Trường ĐH Đông Đô, từ năm 2015 đến 2019, trường đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.

Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết từ năm 2017, nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường đại học, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung, tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập. Và theo quy chế, các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ chỉ quy định cho tuyển sinh đại học chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án.

Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định: "Hoàn toàn không có việc các đơn vị của Bộ Giáo dục và đào tạo đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh".

Về trách nhiệm của các cá nhân của Bộ liên quan tới sai phạm trên, Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời: "Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của Trường ĐH Đông Đô, mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm".

Dù vậy, Bộ này khẳng định "trong vụ việc này, không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm".

Kiên quyết xử lý trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai

Về việc xử lý với những trường hợp được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, Bộ Giáo dục và đào tạo bày tỏ quan điểm kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định, thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô, và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.

Bộ cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường Đại học Đông Đô, và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào, hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ĐH Đông Đô, để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất.

Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Trường ĐH Đông Đô cấp Trường ĐH Đông Đô cấp 'chui' 193 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh

TTO - Kết quả điều tra xác định đường dây cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh 'chui' tại Trường ĐH Đông Đô đã 'vươn vòi' đến nhiều tỉnh thành để liên kết các cơ sở đào tạo và cấp 193 bằng cử nhân giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo…

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên