Sách giáo khoa được bày bán tại một nhà sách ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông tin Bộ GD-ĐT có phiên bản khiến nhiều người băn khoăn vì bên cạnh những ưu điểm, sách điện tử có những bất cập khi triển khai rộng rãi. Ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết:
- Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ (SGK) để có thể chủ động khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới không bị thiếu sách.
Bộ sách này cũng phải qua thẩm định và cạnh tranh công bằng với các bộ sách do tổ chức, cá nhân biên soạn. Và sau khi được phép, bộ SGK này sẽ công bố công khai bao gồm bộ SGK in và phiên bản điện tử.
Phiên bản điện tử này là bản mềm của nội dung SGK bản in có định dạng PDF được công bố trên mạng, không phải SGK điện tử với nhiều tính năng ứng dụng từng xuất hiện trên thị trường.
* Có ý kiến cho rằng việc đưa phiên bản sách công khai sẽ khiến các tổ chức, cá nhân biên soạn sách khác khó cạnh tranh và ngần ngại tham gia cuộc cạnh tranh không cân sức, ý kiến của ông về việc này thế nào?
- Thực hiện quy định tại nghị quyết 88, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có thể tham gia biên soạn SGK theo quy định tại thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Các nhà trường căn cứ vào chương trình môn học sẽ công bố tới đây để triển khai việc dạy học và có thể sử dụng các bộ SGK khác nhau, tùy thuộc vào ý kiến giáo viên, nguyện vọng của cha mẹ học sinh, học sinh.
Các bộ SGK hoặc SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn, bao gồm cả bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì, đều phải tuân thủ quy trình thẩm định và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT duyệt mới được phép lưu hành.
Mỗi bộ SGK hoặc SGK do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn sẽ có các ưu điểm khác nhau. Nên không có nghĩa tất cả các nhà trường, giáo viên, học sinh sẽ chọn sách do Bộ GD-ĐT biên soạn.
Ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT
* Về phiên bản điện tử của SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn, trong trường hợp giáo viên, học sinh sử dụng bộ SGK in của tổ chức, cá nhân khác biên soạn làm tài liệu dạy học chính thì vẫn có thể tham khảo phiên bản điện tử này phục vụ việc dạy học nếu có nhu cầu?
- Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng thông tư về lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.
Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt được đông đảo học sinh lựa chọn.
* Ông có thể cho biết tiến độ công việc tiếp theo sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình môn học không?
- Sau khi công bố chương trình môn học, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK như nói trên, tổ chức thẩm định SGK (gồm bộ SGK do Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Tiếp theo, Bộ GD-ĐT cũng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng SGK để dạy học theo chương trình giáo phổ thông mới, hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương.
* Ngoài các chuẩn bị trên, Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì đối với các nhà trường phổ thông trong việc chuẩn bị tiếp cận chương trình, SGK mới?
- Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới.
* Có một số tổ chức, cá nhân đưa ra kế hoạch chuẩn bị cho việc biên soạn SGK và việc đầu tư hình thức trình bày, khổ sách, chất liệu giấy sẽ là yếu tố cạnh tranh. Nhưng họ lo ngại giá thành SGK được in đẹp sẽ cao hơn bộ SGK của Bộ GD-ĐT khi bộ sách này được Nhà nước cấp ngân sách. Và như vậy sẽ khó cạnh tranh...
- Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK, bảo đảm công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận