30/06/2020 19:43 GMT+7

Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6, đã có rất nhiều phóng viên hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về cuộc tranh cãi trên mạng xã hội: giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên.

Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên? - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành trả lời báo chí về cuộc tranh cãi về trường chuyên, trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Việc phát triển hệ thống trường chuyên là quan điểm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Luật giáo dục.

Theo đó, Luật giáo dục nêu rõ trường chuyên dành cho những học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó phát hiện nhân tài để bồi dưỡng. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt đề án 959)".

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: "Bộ GD-ĐT định nghĩa trường THPT trước hết phải là trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt, với chương trình học linh hoạt hơn.

Nhưng về cơ bản đào tạo ở trường chuyên là dựa trên nền giáo dục đại trà tốt, sau đó mới phát triển giáo dục "mũi nhọn" để các em học sinh phát triển tài năng của mình.

Trước câu hỏi Bộ GD-ĐT dùng thước đo nào để đánh giá chất lượng trường chuyên, ông Thành trả lời: "Cần hiểu mỗi trường chuyên có thể tuyển 1.500 đến 2.000 học sinh. Từ đó, trường chọn ra những em tốt nhất để vào những lớp chuyên, chọn ra một số em đi thi quốc tế. Khi đã đầu tư trường chuyên thì tập trung đào tạo "phần nhọn" bên trên.

Nếu nhìn vào hệ thống các trường chuyên, ngoài học, còn có rất nhiều loại câu lạc bộ rất phong phú, toàn diện. Các em trường chuyên có kỹ năng mềm rất tốt".

Ông Thành cũng cho biết khó có thể xã hội hóa trường chuyên vì đây là mô hình nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng, hỗ trợ những nhóm yếu thế, để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bộ GD-ĐT đang trong quá trình nghiên cứu giải pháp liên thông giữa các trường THPT chuyên với các trường ĐH, hiện chưa có thống kê cụ thể.

"Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy học sinh học ở các trường ĐH có hệ THPT có tỉ lệ đỗ cao vào hệ đào tạo chất lượng cao tại các trường ĐH", ông Thành nói.

Về việc một số trường THPT chuyên vẫn duy trì hệ THCS, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định theo quy định thì hệ THCS trong trường chuyên không phải là hệ chuyên, chỉ có hệ THPT là chuyên.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổng kết sau 10 năm thực hiện đề án 959. Bộ đã yêu cầu địa phương báo cáo để cuối năm tổ chức tổng kết, xác định được đến giờ đã đạt được những gì, phát hiện những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới.

Sau khi tổng kết, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng đi cho hệ thống trường chuyên. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhóm khảo sát bài bản để đánh giá sự phát triển hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua.

Đà Nẵng: chính sách Đà Nẵng: chính sách 'ưu đãi' trường chuyên không đúng quy định

TTO - Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng vừa có báo cáo một số chính sách thu hút, khuyến khích của TP đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên