Học sinh Hà Nội trở lại trường học theo lộ trình thận trọng khi tình hình dịch vẫn phức tạp - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong báo cáo và đề xuất liên quan tới việc học sinh đi học trở lại, Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị Bộ Y tế thống kê và thông tin toàn bộ số trẻ em là F0 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay.
Trong đó, Bộ Y tế cần tách số liệu trẻ em là F0 do đi học trở lại, số ca mắc trong cộng đồng, số chuyển nặng và số tử vong để phục vụ công tác truyền thông, tạo sự an tâm, đồng thuận trong xã hội, giải tỏa tâm lý lo lắng cho phụ huynh trước hiện tượng nhiều học sinh đi học trở lại mắc COVID-19.
Bộ Giáo dục và đào tạo cũng yêu cầu ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc xét nghiệm sàng lọc học sinh khi tới lớp; xét nghiệm thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần xét nghiệm. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.
Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để cùng các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành.
Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến ngày 16-2, tổng số học sinh đi học trực tiếp trên cả nước là trên 21 triệu, đạt 93,71%. Trong đó khối mầm non đạt 85,71%, tiểu học đạt 93,65%, THCS đạt 94,41%, THPT đạt 99%.
Tuy nhiên, do dịch bệnh có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương nên xuất hiện nhiều hơn số ca mắc COVID-19 là giáo viên, học sinh. Một số nơi tăng mạnh số ca mắc là học sinh, giáo viên, như Hải Phòng có 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hóa 2.359 ca... Nhiều nơi phải chuyển lại hình thức dạy học trực tuyến sau khi phát sinh F0 trong các nhà trường.
Ghi nhận của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy quan điểm ứng biến với dịch sau khi học sinh quay lại trường học khác nhau giữa các địa phương. Nhiều nơi lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1, việc khoanh vùng F0, F1 chưa hợp lý.
Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận