Ông Phạm Ngọc Định - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - cho biết năm 2008 Bộ GD-ĐT đã có một văn bản quy định về việc sử dụng sách giáo khoa phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập trong nhà trường. Văn bản đã quy định rõ chỉ có sách giáo khoa là tài liệu dạy học chính bắt buộc giáo viên và học sinh phải sử dụng, ngoài ra có sách cấp cho giáo viên để hỗ trợ việc giảng dạy.
Các loại sách còn lại, bao gồm sách bài tập và sách tham khảo, “không bắt buộc giáo viên và học sinh phải mua”. Văn bản này cũng nêu rõ: “Hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm giao cho tổ chuyên môn xem xét nội dung các sách tham khảo đang lưu hành trong trường, phát hiện sai sót để xử lý”.
“Sách tham khảo đang được lưu hành trong hệ thống giáo dục, chắc chắn ngành GD-ĐT phải chịu trách nhiệm và có biện pháp chấn chỉnh những bất ổn” - ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, khẳng định. Theo ông Chuẩn, mặc dù Bộ GD-ĐT quy định “không bắt buộc” nhưng vẫn có tình trạng giáo viên, nhà quản lý giáo dục tư vấn, giới thiệu, thậm chí ép học sinh mua sách tham khảo. Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xử lý một số vụ việc cụ thể liên quan tới tình trạng này.
Ông Chuẩn cũng bày tỏ quan điểm cho rằng trong văn bản chỉ đạo mới cần phải có hình thức chế tài mạnh hơn và quy trách nhiệm cụ thể hơn cho các cấp quản lý giáo dục trong việc kiểm soát sách tham khảo của hệ thống giáo dục.
“Không chỉ quy định chung chung “không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo” mà nên đưa vào quy định việc cấm giáo viên và cán bộ quản lý giới thiệu hay bán hộ sách tham khảo giúp các nhà xuất bản, nhà sách hay tổ chức, cá nhân phát hành sách” - ông Phạm Ngọc Định nói thêm.
Theo ông Định, đã đến lúc cần có quy định những nhà xuất bản có điều kiện như thế nào mới được xuất bản sách tham khảo cho học sinh. Trong đó, việc bắt buộc phải làm là phải có một đội ngũ biên tập, thẩm định sách nghiêm túc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận