Cơ sở 1 Trường đại học Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sau khi hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị bắt, phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ GD-ĐT liên quan đến việc đào tạo văn bằng 2 của trường này.
Trung tâm Truyền thông Bộ GD-ĐT vừa gửi trả lời ý kiến của bộ về vấn đề này.
* Bộ GD-ĐT quản lý như thế nào, có giám sát nội dung ghi trên phôi bằng hay không? Vì sao văn phòng bộ cung cấp phôi bằng cho Đại học Đông Đô?
- Đối vối việc cung cấp phôi văn bằng, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết theo quy định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu văn bằng, chứng chỉ cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, các trường đại học cập nhật thông tin của trường mình vào mẫu văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi.
Nội dung ghi trên phôi bằng đại học đã được quy định chi tiết trong Điều 8, 9 Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8-9-2015.
Những thông tin này là thông tin chung, cơ bản cần phải có trên một văn bằng đại học. Ngoài những nội dung cơ bản theo quy định, thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về những thông tin khác trên văn bằng của cơ sở đào tạo.
Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được văn phòng bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ.
Như vậy, văn phòng bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác.
* Bộ GD-ĐT có cấp phép cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng không? Trường có báo cáo bộ về việc tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng văn bằng cấp... theo quy định không?
Theo quy định, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bàng 2 của Trường đại học Đông Đô nên bộ chưa có văn bản cho phép trường đào tạo văn bằng 2.
Từ năm 2016 đến 2018, Đại học Đông Đô có báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Do Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo.
Bộ có thường xuyên thanh tra, giám sát đào tạo văn bằng 2 không? Việc công bố công khai các trường được cấp phép đào tạo văn bàng 2 được thực hiện như thế nào?
Công tác thanh tra, kiểm tra văn bàng 2 được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra.
Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra tại Trường đại học Đông Đô. Kết quả kiểm tra cho thấy trường chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường đại học Đông Đô.
Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, bộ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường này. Tuy nhiên, trường đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.
Ngoài ra, trước khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo văn bằng 2 tại 3 trường: Đại học Chu Văn An, khoa ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) và Đại học Thành Đô.
Thực hiện quản lý nhà nước, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo thanh tra và các đơn vị chức năng tập hợp, rà soát các vấn đề dư luận phản ánh về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng để tổ chức thanh tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.
Theo quy định thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai thu chi tài chính.
Đối với công khai hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, trong đó có văn bằng 2 là quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện.
Bộ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đào tạo văn bằng 2?
Năm 2018, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BGDĐT quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học đối với tất cả các ngành.
Bên cạnh việc xây dựng các quy định đồng bộ với các quy định khác trong toàn hệ thống, văn bản này cũng phải thể hiện xu hướng tự chủ đại học, quy định các điều kiện tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 trên cơ sở các trường phải công khai mọi thông tin liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng, đến kết quả tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng.
Bộ GD-ĐT tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (sinh viên, giảng viên, sinh viên trúng tuyển, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo…).
Đây sẽ là công cụ để quản lý về đào tạo đại học. Bộ đang dự thảo văn bản thay thế để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo văn bằng 2 nói riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận