Giáo viên khối lớp 1 cùng ban giám hiệu một trường tiểu học tại TP.HCM thảo luận về sách giáo khoa mới vào tháng 6-2020 - Ảnh: N.HÙNG
Ông Tài nói: Nhận định sơ bộ của Bộ GD-ĐT là chương trình mới đã cho các nhà trường, giáo viên sự linh hoạt hơn trong dạy học.
Ngay đầu năm học, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, điều lệ trường tiểu học, trong đó đều quy định các nhà trường, giáo viên có quyền chủ động trong việc thiết kế, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các nhà trường và thầy cô giáo thực hiện chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt.
Yêu cầu đọc thông viết thạo tiếng Việt là điều kiện để học sinh tiếp cận các môn học khác. Vì thế, việc dành thời lượng nhiều hơn môn học khác để học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt là mục tiêu của chương trình mới.
Ông THÁI VĂN TÀI chia sẻ tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD-ĐT ngày 30-9.
* Phản hồi của một số hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh đã cho rằng chương trình lớp 1 "nặng", rõ rệt nhất là ở môn tiếng Việt. Bộ GD-ĐT có được phản ánh thực trạng này không, thưa ông?
- Trong tháng 9, Bộ GD-ĐT đã có các đoàn kiểm tra đến các trường tiểu học ở 4 địa phương khu vực đô thị, vùng đồng bằng, Tây Nguyên. Những nơi chúng tôi đã đi kiểm tra, dự giờ không thấy phản ánh nào như vậy.
Chương trình được thiết kế với chuẩn đầu ra cho mỗi năm học. Chương trình mới triển khai theo hướng tiếp cận khác trước đây, hiện ngành GD-ĐT các địa phương đều đang cố gắng thực hiện đúng tinh thần này. Vì thế phải qua một năm thực hiện mới có cơ sở thực tiễn đủ để đánh giá mức độ "nặng, nhẹ".
Việc đánh giá cần thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tránh vội vã chỉ qua một số hiện tượng vô hình trung sẽ gây thêm áp lực nặng nề cho những người đang thực hiện.
* Với những phản ánh rất cụ thể, có minh chứng chứ không chung chung như chương trình "chạy" quá nhanh, không có thời gian để uốn nắn học sinh thì sao?
- Chương trình tiếng Việt không quy định hết tháng 9 phải học xong tất cả các âm. Các môn học khác cũng không quy định khối lượng kiến thức phải dạy trong tuần, không quy định thời lượng cho từng bài mà chỉ quy định số tiết trong năm học. Việc thực hiện cụ thể như thế nào tương ứng với học sinh, điều kiện dạy học là do từng trường quy định.
Các tổ bộ môn, giáo viên có thể căn cứ vào thực tế để đề xuất kế hoạch dạy học cụ thể với hiệu trưởng. Với những học sinh chậm tiếp thu, giáo viên hoàn toàn có thể dạy chậm lại, dành thời gian ôn luyện. Nếu giáo viên tiếp cận chương trình một cách máy móc, hành chính hóa thì cần phải điều chỉnh.
Ông Thái Văn Tài
* Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng để đáp ứng đúng yêu cầu chương trình, giáo viên đang rất vất vả...
- Tình trạng như vậy có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc chuẩn bị thực hiện chương trình lớp 1 ở các địa phương gặp khó khăn so với dự kiến ban đầu. Các nhà trường không có một khoảng thời gian cho giáo viên, học sinh làm quen với nề nếp, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để bước vào năm học như các năm trước.
Việc lần đầu tiên thực hiện chương trình mới cũng khiến xã hội quan tâm đặc biệt, điều này làm cho giáo viên chịu áp lực.
Còn về cảm giác chương trình tiếng Việt lớp 1 nặng so với chương trình lớp 1 cũ, cũng có thể một phần là do cách hiểu chưa chính xác. Chương trình tiếng Việt mới được thiết kế là 420 tiết/năm học, chương trình cũ là 350 tiết. Tuy nhiên, ở đây chỉ là tăng thời lượng chứ không tăng lượng kiến thức.
Nếu phụ huynh nhìn vào và so sánh với chương trình cũ sẽ thấy chương trình mới tăng lên nhưng phần tăng thêm chỉ để dành cho giáo viên thực hiện các phương pháp dạy học, tổ chức luyện tập cho học sinh.
* Theo phản ánh của giáo viên và của cả phụ huynh, có trường hợp sách giáo khoa yêu cầu học sinh "đọc hiểu" trong khi trẻ vừa mới vào học lớp 1 chưa đọc thông viết thạo...
- Tôi không hiểu phản ánh đó cụ thể trong trường hợp nào, bài nào, sách nào vì phải xem xét rất cụ thể. Tuy nhiên, về nguyên tắc khoa học, khi học sinh chưa đọc thông viết thạo mà yêu cầu học sinh phải đọc hiểu là sai.
Có thể giáo viên hay phụ huynh phản ánh đã bị nhầm giữa "nghe hiểu" và "đọc hiểu". Nếu là "nghe hiểu" thì không bất hợp lý vì khi còn học mẫu giáo học sinh cũng có thể được cha mẹ, cô giáo đọc cho nghe và được hỏi về hiểu biết của trẻ qua câu chuyện được nghe như thế nào.
* Nếu những phản ánh về bất cập trong thực hiện chương trình lớp 1 là đúng, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì?
- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) nói chung và chương trình lớp 1 nói riêng được thiết kế mở. Vì thế ngay trong quá trình thực hiện, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động thực hiện linh hoạt, chỉ cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học. Những điểm bất hợp lý thuộc về chương trình, sách giáo khoa có thể có ý kiến, góp ý. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, lắng nghe và có điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
Việc triển khai chương trình mới ở nơi này, nơi khác có thể có những bỡ ngỡ bất cập, nguyên nhân ở đâu sẽ khắc phục ở đó. Ngành GD-ĐT cũng cần sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền, các ban ngành địa phương và phụ huynh học sinh để vượt qua những khó khăn ban đầu thực hiện tốt chương trình như mục tiêu đổi mới giáo dục đã đặt ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận