Minh họa: NOP
Chúng ta đừng ngộ nhận việc áp đặt con, lựa chọn trường lớp cho con nghĩa là chúng ta là những ông bố, bà mẹ tốt. Ngược lại, chúng ta mới là người có lỗi với con, nợ con một lời xin lỗi, nợ con những giờ nghỉ ngơi, nợ con những bữa cơm tối, nợ con những ngày cuối tuần xa sách vở, được xả hơi".
Văn Long
Tôi từng là ông bố độc đoán, gia trưởng, áp đặt trong mắt các con. Dường như mọi quyết định trong nhà nhất nhất phải theo ý tôi. Nhưng có lúc, con tôi muốn bỏ học…
Từ chuyện con học trường gì, học khối gì đều một tay tôi sắp xếp. Tôi muốn con học trường chuyên nên suốt những năm mẫu giáo, rồi lên cấp 1, tôi đầu tư không ít tiền bạc cho con đi học thêm ở các trung tâm để phát triển toàn diện. Câu cửa miệng của tôi thường là: "Chỉ cần con học giỏi và được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến nhất, còn tiền bạc không quan trọng".
Thường ngày nhà tôi chỉ ăn bữa ăn tối lác đác cùng nhau vì thời gian biểu của các thành viên lệch nhau. Các con tôi dù không muốn vẫn phải ngậm ngùi đi học những khóa học mà tôi nghiên cứu, lựa chọn.
Tôi bỏ ngoài tai những lời năn nỉ: "Tối nay bố cho con nghỉ học để đi sinh nhật bạn được không ạ?". Tôi vẫn từ chối mọi đề nghị và nguyện vọng của con như thế. Như nhiều phụ huynh khác, tôi cho rằng tuổi nhỏ thì càng phải học và những buổi học thêm, học bồi dưỡng là nền tảng giúp con có tương lai tốt nhất.
Tôi không để tâm hoặc có lúc phớt lờ thái độ mệt mỏi của con khi phải chinh chiến với những giờ học thêm vào mỗi buổi tối và đều đặn vào cuối tuần. Tất cả chỉ vì tôi mong muốn con có mặt đầy đủ ở những buổi học thêm đắt đỏ, chất lượng mà tôi dày công tìm hiểu.
Điều tôi chú trọng nhất chính là thành tích. Và các con tôi thật may rất nghe lời, ít khi phản ứng hoặc không dám phản ứng, không dám "bật" lại, không dám đề đạt ý kiến nữa. Tôi đã từng nghĩ mình đúng, từng cho rằng mình là ông bố yêu con nhất trên đời. Tôi đã nghĩ trong công cuộc giáo dục con, mình là một ông bố hoàn hảo.
Thời gian cứ thế trôi qua, cho đến khi con trai đầu của tôi lên lớp 8, con trai út lên lớp 2, tôi đã nhận ra mình… sai. Những giờ học thêm triền miên khiến con trở thành "thợ học" tự khi nào. Cứ như vậy, hết học ở lớp, vợ chồng tôi thay nhau đưa con đi đến các lớp học, tối mịt mới về, có khi 9 rưỡi tối con mới được về nhà.
Mặt con tôi luôn mệt mỏi và nhăn nhó như mặt khỉ, tôi vẫn thường nói với con như vậy. Tôi chưa khi nào hỏi ý kiến con có thích không, có muốn không, con thấy thế nào mà luôn bắt đầu bằng: "Bố chọn…", "bố thấy…", "bố đã tìm hiểu kỹ…".
Đổi lại, có một ngày tôi nhận ra mình rất tàn nhẫn với con. Tôi ngỡ ngàng khi con trai út (học lớp 2) trong một lần bị bố từ chối việc nghỉ một buổi học đã nói: "Bố đúng là ác ma, con không muốn đi học nữa". Tôi to tiếng: "Con không chịu học sẽ phải ở lại lớp, sẽ không bằng bạn bè, sẽ không lên được lớp 3…". Con trả lời luôn: "Con đang thích ở nhà đây bố, không phải đi học càng tốt…".
Ban đầu tôi nổi giận, cho rằng con hư, được học những khóa học chất lượng nhất là may mắn hơn chúng bạn rồi. Nhưng chững lại vài giây, tôi tự hỏi phải chăng mình đang lầm đường lạc lối khi áp đặt con? Lẽ nào tôi đang độc đoán "tiếm quyền" và thâu tóm mọi suy nghĩ, hành động, sở thích của các con? Tôi chẳng những không hoàn hảo như tôi từng nghĩ mà là ông bố tồi?
Tôi không dám cho con nghỉ một buổi học thêm để đi sinh nhật bạn. Tôi không nỡ để con ngồi xem phim thay vì ngồi trên bàn học dù chỉ một ngày. Để rồi tôi được cái gì? Con được gì?
Đúng là hai con của tôi luôn là học sinh nổi trội, đặc biệt là môn toán và tiếng Anh. Đúng là chưa năm nào con khiến tôi thất vọng. Đúng là năm nào đi họp phụ huynh cho con cũng khiến tôi mãn nguyện, tự hào. Đúng là những khi cùng con đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, thi Trạng nguyên, tiếng Anh, cờ vua… đoạt giải cao như một liều doping khiến tôi mê mẩn trong cơn nghiện.
Tôi như nghiện thành tích mà con đem về và tôi cho rằng mình đã thành công khi đồng hành cùng con. Nhưng hóa ra tôi mới là một ông bố thất bại. Tôi đã sai khi không để con được một ngày phát triển tự nhiên, được làm điều con muốn. Tôi đã không tôn trọng suy nghĩ và mong muốn của con. Tôi đã trở thành "ác ma" trong mắt con tự khi nào.
Có lẽ không nhiều phụ huynh tự nhận mình sai trong giáo dục con. Chúng ta cứ huyễn hoặc mình, cho rằng mình luôn đúng. Chúng ta thường nghĩ, các con là những chú cừu non chẳng biết gì và cho mình là chuyên gia. Vì thế, chúng ta định đoạt tương lai của con ngay từ trong trứng nước...
Tôi nợ tương lai các con...
Mọi đường đi nước bước của con đều có dấu ấn mang tên tôi. Tôi cứ mải miết nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp và tra cứu trên mạng về những ngôi trường tốt và "ném" con vào đó với bao hi vọng. Cứ như vậy, tôi lót những viên gạch đầu tiên và tự nghĩ các con là đứa trẻ may mắn.
Tôi thấy mình đang nợ tương lai của các con, tự cho mình cái quyền sắp xếp mọi thứ của con, khiến con luôn cảm thấy sợ nếu để bố thất vọng. Đó là khi con trai đầu của tôi đang học lớp 8, nói: "Từ khi vào lớp 1 đến giờ chưa khi nào con dám làm trái ý của bố. Con cắm đầu vào học để bố không phải thất vọng về mình chứ có lúc con rất muốn bỏ học…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận