Một buổi học thực hành trên máy ôtô của sinh viên Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Quan điểm chính thức của Tổng cục Dạy nghề - cơ quan tham mưu giúp bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - ra sao về điều trên? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy Tổng cục Dạy nghề - nhận định:
- Trong vài năm trở lại đây, số lượng các trường ĐH tăng nhanh, các trường này lại được phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh kéo dài và mở rộng đối tượng ưu tiên, nên đã tạo ra nhiều khó khăn cho việc tuyển sinh vào các hệ CĐ, trung cấp.
Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận lớn học sinh khi tốt nghiệp các bậc học phổ thông vẫn mong muốn bắt đầu lập nghiệp với tấm bằng ĐH.
* Bộ GD-ĐT đang tiếp thu ý kiến của dư luận về quy chế tuyển sinh ĐH, trong đó có quy định dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ĐH. Theo ông, nên bỏ hay vẫn giữ lại quy định này?
- Nếu bỏ điểm sàn khi xét tuyển ĐH sẽ đồng nghĩa với việc cánh cửa các trường ĐH gần như đã mở toang với mọi đối tượng - kể cả với những học sinh có lực học trung bình và dưới mức trung bình.
Điều này rõ ràng sẽ tác động mạnh mẽ theo chiều hướng gây khó khăn tới việc tuyển sinh của các trường CĐ, trung cấp, nhất là khi tâm lý bằng cấp vẫn còn khá nặng nề trong xã hội.
Trong khi đó, ở các nước phát triển như Đức, Nhật... tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được tham gia học ĐH chỉ chiếm 30-40%.
Nếu Bộ GD-ĐT quyết bỏ điểm sàn, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện để có thể vào được ĐH, là đang đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước, phá vỡ định hướng phân luồng người học vào học nghề và làm tăng thêm tâm lý coi trọng về bằng cấp trong xã hội.
Quyết định này còn phá vỡ quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, làm trầm trọng thêm sự bất cập về cơ cấu nhân lực quốc gia hiện nay và làm tăng thêm rối loạn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Tổng cục Dạy nghề không nhận được văn bản đề nghị góp ý dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT, nên không có điều kiện để tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo.
Ông Đỗ Văn Giang - Ảnh: NGỌC HÀ |
* Nếu so sánh hệ thống ĐH và CĐ hiện nay, ông có thấy hệ thống trường CĐ có nhiều thiệt thòi và bị yếu thế?
- Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu: “...phấn đấu đến năm 2020 có 30% số học sinh trung học phổ thông vào học nghề”. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng theo như tinh thần của chỉ thị này.
Số lượng trường ĐH tăng nhanh, nhiều trường mới được thành lập, nâng cấp từ CĐ, đặc biệt là các trường tư thục, dân lập - hoạt động có hiệu quả chưa cao - cộng với tâm lý sính bằng cấp trong một bộ phận lớn cha mẹ học sinh, đã tạo ra lợi thế lớn đối với tuyển sinh ĐH.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH không tìm được việc làm phù hợp ngày càng gia tăng, hoặc phải cất bằng ĐH để đi học nghề, đi làm công nhân đã là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ.
Bản thân người học, cha mẹ người học cũng như xã hội đã nhận ra sự lãng phí thời gian, tiền bạc khi phải cố gắng vào ĐH bằng mọi giá, để rồi rơi vào vòng luẩn quẩn như trên đã nêu.
Hiện nay cả nước có hơn 220 trường ĐH, nhưng có tới hơn 300 trường CĐ, CĐ nghề. Như vậy, xét về quy mô, số lượng trường ĐH không lớn hơn số trường CĐ. Hơn nữa, trong những năm gần đây chúng ta đã tập trung đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, giảng viên cho các trường CĐ.
Có thể nói về điều kiện, các trường CĐ đã có điều kiện tương đối tốt, để đáp ứng nhu cầu đào tạo ra nguồn nhân lực lao động trực tiếp có chất lượng cho xã hội.
* Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông, đâu là giải pháp cấp thiết cần làm ngay?
- Hiện nay, đào tạo ĐH hay trung cấp, CĐ cũng đều nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động. Như vậy, đào tạo nói chung đều phải chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, nghĩa là khi thị trường lao động cần gì, xã hội cần gì, chúng ta đáp ứng như thế.
Nếu xã hội đang cần 10 người thợ lao động trực tiếp và chỉ cần 1 người thầy lao động gián tiếp, mà chúng ta lại đào tạo theo hướng ngược lại, tất yếu sẽ tạo ra bất cập về cơ cấu nhân lực trong xã hội.
Nếu các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo của mình, cùng với việc không có điểm sàn để xét chuẩn đầu vào, có nghĩa là chúng ta đang đào tạo theo “cung” mà không quan tâm đến “cầu”.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, vấn đề cơ bản hướng tới là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho xã hội, chúng ta cần có định hướng tốt, có chiến lược và quy hoạch nhân lực lao động một cách hợp lý, trên cơ sở nhu cầu về nhân lực và trình độ của từng lĩnh vực ngành nghề, qua đó xác định nhu cầu đào tạo một cách phù hợp.
Trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề theo đúng tinh thần chỉ thị 10 của Bộ Chính trị. Có như vậy mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần làm cân đối lại cơ cấu nguồn nhân lực lao động quốc gia đang bất cập hiện nay...
Cần có lộ trình khi bỏ điểm sàn Việc bỏ điểm sàn trong lúc này là chưa đúng thời điểm, sẽ tạo ra hệ lụy khó lường. Về lâu dài, việc bỏ điểm sàn để tăng cường quản lý chất lượng đầu ra là một xu thế hội nhập. Tuy nhiên, cần có lộ trình trong thực hiện. Trước mắt, chỉ nên chấp nhận một số trường ĐH chất lượng cao, đã được kiểm định chất lượng với kết quả tốt, được phép tự xác định điểm chuẩn của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận