Bộ Công an vừa có tờ trình dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2023).
Đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về hạng, thời hạn giấy phép lái xe
Đáng chú ý liên quan giấy phép lái xe, trong dự thảo luật mới nhất đã không còn nội dung phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như dự thảo luật được lấy ý kiến nhân dân vào hồi tháng 7.
Trong dự thảo luật cũ, Bộ Công an đã đề xuất phân hạng giấy phép lái xe mới. Cụ thể, đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC hiện hành, thay vào đó sẽ là các hạng A, A3, B, C1, C.
Còn trong dự thảo luật mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định đã bỏ nội dung phân hạng, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe. Điều này nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo cũng quy định thời hạn một số loại giấy phép lái xe. Đồng thời, đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết hình thức của giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc tế; quy định trình tự thủ tục cấp và sử dụng giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc tế.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Công an cho hay đã thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (có tính chất "động") từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.
Cũng liên quan nội dung phân hạng giấy phép lái xe, Bộ Công an cũng đã có giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 24 ngày 13-7 vừa qua.
Bộ Công an nêu rõ các quy định về phân hạng giấy phép lái xe, độ tuổi người lái xe, quy định chuyển tiếp đối với các phân hạng cũ và mới đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc khung để giao Chính phủ quy định cụ thể.
Cũng theo Bộ Công an, trên cơ sở đề nghị quy định cụ thể về các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quy định trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu bổ sung khái niệm.
Trong đó quy định chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là giấy chứng nhận do cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cấp cho người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Dự thảo quy định mới về tuổi lái xe
Về độ tuổi, dự thảo luật mới nhất quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.
Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh, xe máy chuyên dùng. Dự thảo đề xuất Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Bên cạnh đó người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với từng loại xe được phép điều khiển.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với tài xế, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Trước đó, trong dự thảo lấy ý kiến nhân dân hồi tháng 7 đề xuất người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy. Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A2, A, A3, B. Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C1, C, BE.
Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D2, C1E, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D2E, DE.
Tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận