19/12/2022 08:18 GMT+7

Bỏ đề cương, bài mẫu: Được không?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không được soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra cuối học kỳ đang là chủ đề thảo luận sôi nổi của phụ huynh, giáo viên trên mạng xã hội.

Trong đó, đa số ý kiến đều cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng để loại bỏ dần tình trạng học vẹt, học tủ vốn đã tồn tại từ rất lâu ở các trường; là một bước chuyển không thể thiếu trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: chương trình, sách giáo khoa đã và đang thay đổi theo dạng cuốn chiếu; phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực - phẩm chất học sinh cũng đang được thực hiện. Nếu việc kiểm tra, đánh giá học sinh không thay đổi thì những công đoạn đổi mới trên sẽ không thể thực hiện một cách triệt để.

Thế nhưng, làm sao để văn bản đi vào cuộc sống? Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu bỏ đề cương, bài mẫu nhưng các trường tiểu học không bỏ thì sao?

Thật ra, đề cương không chỉ xuất hiện trước những đợt kiểm tra cuối học kỳ mà nó còn được sử dụng để ôn thi tốt nghiệp cuối cấp, thi tuyển sinh... Và cũng không chỉ có giáo viên tiểu học mà cả giáo viên các trường THCS, THPT cũng biên soạn đề cương cho học sinh ôn tập.

Theo thông lệ, trước mỗi kỳ thi, kiểm tra, các cấp quản lý đều có thông báo về phạm vi kiến thức - kỹ năng sẽ ra trong đề thi. "Đề cương ôn thi" xuất hiện rầm rộ nhất ở các trường tiểu học là thời kỳ phòng GD-ĐT ra đề kiểm tra chung cho tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 5 trên địa bàn. 

Vì sức ép của căn bệnh thành tích, vì quá lo lắng học sinh trường mình sẽ thua học sinh trường bạn nên các giáo viên đã làm thay phần việc của học sinh: đáng lẽ họ cần hướng dẫn học sinh cách hệ thống kiến thức, cách ôn tập hiệu quả thì nhiều người soạn sẵn đề cương, sau đó in ra cho học sinh "gạo" thuộc.

Không những thế, đến môn tập làm văn cũng có bài mẫu: giáo viên làm sẵn các dàn ý cụ thể cho từng đề bài. Học sinh sẽ dựa vào dàn ý này để viết thành bài văn của riêng mình rồi đưa cho giáo viên sửa. Sau khi thầy cô giáo đã sửa xong từng từ, từng đoạn, các em học sinh chỉ cần học thuộc bài văn ấy để đi thi.

Ai cũng hiểu: dạy học sinh theo kiểu đề cương, bài mẫu chính là làm thui chột sự sáng tạo, thui chột khả năng tư duy, khả năng tự học của học sinh. Chưa kể, vài năm gần đây nhiều phòng GD-ĐT cũng đã giao quyền chủ động cho nhà trường tiểu học tự ra đề kiểm tra cuối học kỳ: dạy - học như thế nào thì kiểm tra như thế ấy.

Vậy bỏ đề cương, bài mẫu... được không? Chắc chắn bỏ được nếu người ra đề thi giảm bớt những câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức của học sinh. Thay vào đó, cần tăng dần số lượng câu hỏi kiểm tra khả năng học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. 

Nếu chỉ học tủ, học vẹt, học sinh khó có thể trả lời thỏa đáng những câu hỏi vận dụng theo kiểu này. Dĩ nhiên, khi thấy học sinh bị điểm kém, người giáo viên sẽ tự động thay đổi: tự động bỏ đề cương, bài mẫu mà không cần văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh vẫn đang thắc mắc: tiểu học đã có quyết định bỏ đề cương, bài mẫu, còn cấp THCS, THPT thì sao?

TP.HCM yêu cầu trường tiểu học không soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh TP.HCM yêu cầu trường tiểu học không soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh

TTO - Trường tiểu học khi tổ chức ôn tập để kiểm tra cuối học kỳ 1 phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu rồi cho học sinh học thuộc lòng...

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên