Số hộ chiếu mà Trần đã làm giả bị cảnh sát thu giữ - Ảnh: AFP |
“Tôi cho rằng trường hợp ở Bồ Đào Nha chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tình trạng người Trung Quốc nhập cư trái phép và Trần chỉ là một trong số các ông trùm điều hành các đường dây như vậy. Không chỉ ở Bồ Đào Nha mà người Trung Quốc còn nhập cư trái phép nhiều nước trên thế giới |
Luật sư Bùi Tư Hiền ở Bắc Kinh |
Giới chức Bồ Đào Nha và cảnh sát quốc tế đã mở cuộc săn lùng toàn cầu đối với Trần Tiểu Mẫn, người đã đưa hơn 1.000 người Trung Quốc đến sống và làm việc bất hợp pháp ở Bồ Đào Nha.
Báo South China Morning Post cho biết vụ việc trên được xem là một trong những vụ đưa người Trung Quốc nhập cư trái phép vào châu Âu lớn nhất từ trước đến nay.
Trần đã bị tòa án Bồ Đào Nha tuyên 12 năm tù giam trong phiên xử vắng mặt hồi tháng 2.
Theo báo Jornal de Notícias, Trần bị buộc 460 tội danh khác nhau, trong đó có tội hỗ trợ nhập cư trái phép, rửa tiền, giả con dấu của giới chức hải quan và sở hữu súng trái phép.
Nhưng Trần đã kịp cao chạy xa bay ngay lúc đó. Cảnh sát Bồ Đào Nha cho biết tìm thấy dấu vết của Trần ở thủ đô Jakarta của Indonesia rồi mất tăm tích kể từ đó.
Truy nã toàn cầu
Cơ quan an ninh Bồ Đào Nha đã gửi thông tin cho Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã Trần trên toàn cầu.
Dữ liệu tòa án cho biết ông trùm họ Trần này là người tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Trần đã điều hành đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Bồ Đào Nha trong hơn 10 năm qua, tập trung ở thành phố Matosinhos - nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống nhất.
Cơ quan nhập cư và biên giới Bồ Đào Nha cho biết bắt đầu điều tra đường dây của Trần từ năm 2007 và phải mất sáu năm mới kết thúc quá trình pháp lý để bắt giữ Trần.
Cơ quan trên cho biết số người Trung Quốc nhập cư Bồ Đào Nha đã tăng chóng mặt trong 20 năm qua: từ con số 3.062 người có quốc tịch vào năm 1999, tăng lên 21.402 người vào năm 2014.
Điều gây nghi ngờ là phần lớn những người Trung Quốc nhập cư từ cuối những năm 1990 đều có quê quán ở tỉnh Chiết Giang.
Trần từng bị bắt lần đầu vào tháng 5-2011 nhưng đã nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại. Đến tháng 12-2013, một lần nữa tòa án ra lệnh bắt nhưng Trần đã biến mất khỏi nơi cư trú.
Đường dây của Trần chuyên cung cấp dịch vụ làm giấy tờ giả cho người nhập cư trái phép, đổi giấy phép cư trú, giả mạo giấy phép kinh doanh cho hàng loạt công ty thật lẫn “ma” của người Trung Quốc ở Bồ Đào Nha.
Siêu lợi nhuận
Luật sư Bùi Tư Hiền ở Bắc Kinh cho biết nhiều người Trung Quốc chấp nhận bỏ số tiền lớn để đến được các nước Âu - Mỹ vì lý do kinh tế. Họ lợi dụng mối quan hệ quen biết ở châu Âu hoặc Mỹ để tìm đường đi dù phải sống bất hợp pháp.
Giới chức Bồ Đào Nha cho biết hoạt động phi pháp này đã mang lại cho băng nhóm của Trần ít nhất 5 triệu euro (khoảng 5,67 triệu USD). Băng nhóm của Trần chủ yếu là người thân trong gia đình và bạn bè.
Ngoài việc làm giấy tờ giả, Trần còn lập các công ty “ma”, thuê nhà cửa và dùng tiền bẩn để đầu tư vào các quỹ quốc tế. Vợ và cha ruột của Trần là tay chân đắc lực nhất. Hai người đứng tên ít nhất 45 tài khoản trong 11 ngân hàng khác nhau. Đây là những tài khoản Trần dùng để giao dịch nhận tiền thù lao đưa người trái phép vào Bồ Đào Nha.
Trần ra giá ít nhất 6.000 euro (hơn 6.800 USD) cho mỗi hộ chiếu có thị thực giả và cứ mỗi 10.000 euro chuyển từ các công ty “ma” ở Bồ Đào Nha về Trung Quốc, Trần sẽ hưởng 250 euro tiền hoa hồng.
Từ tháng 11-2010 đến tháng 5-2011, Trần đã chuyển 3 triệu euro về quê nhà cho 17 người nhập cư trái phép và nhận 72.000 euro tiền hoa hồng. Các giao dịch này đều chuyển đến Ngân hàng Trung Quốc.
Tại nhà của Trần ở Matosinhos, cảnh sát tìm thấy 178 tài khoản ngân hàng được đứng dưới 93 cái tên khác nhau. Bồ Đào Nha còn tịch thu nhiều máy in chuyên dụng để in chứng từ giả và con dấu của cả giới chức Bồ Đào Nha và giới chức Trung Quốc.
“Ông ta kiếm hàng triệu euro và người Trung Quốc ở đây rất e sợ ông ta” - một nhân chứng Bồ Đào Nha biết rõ gia đình Trần cho biết.
Mỹ bắt 21 người làm giả thị thực sinh viên cho người nước ngoài Để gài bẫy và thu thập chứng cứ từ những kẻ chuyên môi giới làm giả thị thực sinh viên, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã lập ra một trường đại học “ma” và duy trì nó trong suốt ba năm. Báo New York Times ngày 5-4 cho biết có 21 người bị bắt thuộc bang New Jersey và Washington (Mỹ) do có liên quan đến đường dây này. Trên giấy tờ, trường “đại học Bắc New Jersey”, được thành lập từ năm 2012, có hẳn trang web với con dấu hẳn hoi cùng những lời hứa và cam kết về chất lượng giáo dục nhưng thực chất đó chỉ là một trường đại học “ma”. Theo bà Sarah Saldana - giám đốc Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ, trong vai những người quản lý trường “đại học Bắc New Jersey”, các nhà điều tra đã nhận được sự “hợp tác” từ những kẻ môi giới và bắt đầu thu thập chứng cứ. Nhiều người nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, đã đóng tiền cho những kẻ môi giới để nhận được thị thực du học ở Mỹ. Thực chất, du học chỉ là cái cớ để những người này có thể đến Mỹ một cách hợp pháp rồi ở lại làm việc. Bằng chứng là ngoài việc thu “học phí” để làm bình phong, những kẻ môi giới còn kiêm luôn “cò” việc làm cho một số nhà tuyển dụng Mỹ. Những người đã thuê lao động kiểu này cũng nằm trong số 21 người bị cảnh sát bắt giữ. Khoảng 1.000 “sinh viên” đã theo học ít nhất 45 ngày tại trường “đại học Bắc New Jersey” sẽ bị triệu tập ra tòa di trú và thu hồi thị thực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận