Học sinh Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM trong giờ thực hành nhà hàng - khách sạn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngoài chuyên môn là ngữ văn, tôi còn dạy kỹ năng sống. Về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, tôi thường định hướng học trò của mình hãy theo sở trường (năng lực) cùng với đam mê, hãy là chính mình để thực hiện ước mơ, để sống hạnh phúc.
Tôi giải thích cho các em hiểu trong quá trình thực hiện ước mơ của mình, nhất là khi bước vào thực hiện công việc, những khó khăn, thử thách luôn đối diện trước mắt, những rủi ro có thể xảy ra, chặng đường đi có thể lắm chông gai nhưng trên hết, dù thế nào đi nữa, chúng ta sẽ hạnh phúc trên con đường mình đã chọn.
"Đi ngược gió"
Tôi cũng khuyên học sinh "đi ngược gió" với mong muốn của cha mẹ (nếu ngành nghề mình không thích, kể cả ngành nghề cha mẹ đã trải thảm), không nên thực hiện ước mơ của cha mẹ, mà hãy thực hiện ước mơ của mình. Bởi trên thực tế không ít gia đình mệt mỏi khi chọn nghề thay con, hệ lụy khó lường.
Tôi phân tích cho học sinh hiểu cha mẹ là người đi trước, có kinh nghiệm nên hướng những ngành nghề để con được nhiều thứ (nhàn thân, nhiều tiền, lao động bằng trí óc...), điều đó cũng là mong muốn tốt đẹp của cha mẹ dành cho con cái.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ lúc nào cũng đúng, thậm chí sai lầm khi ép con đi theo nghề nghiệp mà con không hề thích. Ép con đi theo con đường cha mẹ mong muốn chẳng khác nào "đánh cắp ước mơ tuổi 18", tuổi mà các em đã khẳng định mình về nghề nghiệp.
Cha mẹ đánh cắp ước mơ của con, bắt con thực hiện ước mơ của cha mẹ chẳng khác nào "vùi dập" ước mơ, hoài bão tốt đẹp của con. Nhất là thời đại xã hội đã thay đổi chóng mặt ở nhiều phương diện, thế hệ trẻ đã khẳng định mình thì việc cha mẹ áp đặt cho con cái về nghề nghiệp sẽ trở thành hệ lụy khó lường, mất nhiều hơn được. Điều đó đã được "minh chứng" trong nhiều năm qua.
Cùng ngồi lại với con
Tôi xin kể câu chuyện về một đồng nghiệp đã hối hận khi vợ chồng cô bắt con mình học trường y. Ngày trước, thời thí sinh có thể thi cùng lúc nhiều trường đại học, con cô đã đậu cả trường y lẫn bách khoa.
Cậu con trai thích học ngành kỹ thuật, nhưng cha mẹ bắt con học trường y để trở thành bác sĩ. Cậu con trai đã trở thành bác sĩ nhiều năm rồi nhưng chẳng mấy vui với nghề nghiệp, khiến cả nhà cũng buồn. Cô nói nếu ngày đó cứ để con theo đam mê thì con đã được hạnh phúc với công việc của mình.
Lẽ ra cha mẹ nên cùng ngồi lại với con để lắng nghe ước mơ của con, những nỗi niềm mà con chia sẻ để cùng con định hướng nghề nghiệp, phân tích sự được mất (có thể) trong nghề nghiệp tương lai, thì một số cha mẹ lại áp đặt "ước mơ" của mình buộc con phải thực hiện.
Điều trước mắt dễ thấy nhất, khi ép con theo "ước mơ" của cha mẹ thì "chiến tranh lạnh" xảy ra trong gia đình. Gia đình khó có được mái ấm, mà phải gánh "mái lạnh" của sự căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Khi "học hộ người khác", người con cảm thấy chán nản, mệt mỏi, áp lực. Suốt nhiều năm ngồi trên giảng đường chẳng khác nào bị "tra tấn" bởi những kiến thức "không hợp gu". Việc thi đi, thi lại trở thành chuyện bình thường (một khi người học không thích thú, không có quyết tâm phấn đấu) nên dễ dẫn đến tình trạng "giữa đường đứt gánh... tương lai".
Ra trường, một khi công việc mình không yêu thích thì chẳng khác nào sáng cắp ô đi chiều khoác dù về, làm việc một cách mệt mỏi, gượng ép, không cảm xúc. Điều đó đồng nghĩa rằng người làm khó tạo ra những giá trị cho cộng đồng, khó phát triển năng lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận