Huỳnh Hoàng Anh - Ảnh: Quang Định |
Huỳnh Hoàng Anh đã từ chối đại học, vì sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, cựu học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) nói:
- Lúc đầu tôi cũng có ý định học đại học ngành điều dưỡng. Gia đình ủng hộ tôi lắm vì nghĩ ngành này xã hội đang cần, dễ xin việc. Nhưng có lần tôi nghe câu chuyện chọn sai ngành phải học lại của một người anh, anh ấy qua Singapore học ngành công nghệ thông tin.
Tôi thấy nhiều bạn chọn ngành vì gia đình muốn bạn đó vô đại học. Có bạn nghĩ đại học là đích đến của mình. Có bạn lại muốn bằng bạn bè mới vô đại học mà không biết điều thật sự mình muốn sau này là gì. Lúc đầu tôi cũng là một trong những bạn đó, nhưng giờ tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình |
Trước đó anh chọn ngành nghề cũng mơ hồ lắm, không biết mình thích gì, giỏi gì và chỉ chọn vì ngành đó rất “hot”, nhiều người theo.
Vào học, anh ấy mới biết ngành đó không phải là sở trường của mình. Do đó khi người khác bỏ ra một giờ để học thì anh phải dành ra ba giờ.
Lúc học anh cảm thấy không hứng thú lắm. Thời gian sau, anh ấy mới biết mình thích làm truyền thông đa phương tiện và chuyển qua ngành này.
Tôi tưởng tượng nếu học ngành điều dưỡng, mỗi ngày tiêm thuốc, chích thuốc cho bệnh nhân, nhiều người sẽ thích, riêng tôi chắc chịu không nổi.
Cho nên tôi suy nghĩ lại con đường của mình và quyết định cho đúng.
“Tôi lầm tưởng”
* 12 năm học sinh giỏi, hai lần đoạt giải ba học sinh giỏi môn sinh cấp thành phố năm lớp 9 và lớp 12, sao bạn không tiếp tục phát huy thế mạnh của mình ở đại học?
- Tôi lầm tưởng rằng tôi giỏi môn sinh nên thích nó, sau này tôi nhận ra không phải vậy.
Tôi chọn ban B vì giỏi sinh, nhưng dần dần tôi tự hỏi không biết tôi thích môn sinh hay không. Lúc ấy tôi cũng mơ hồ về xác định nghề nghiệp lắm.
Đến khi tiếp xúc nhiều bạn, làm trắc nghiệm xác định ngành nghề, tôi phát hiện tôi thích đi đây đó, thích nói chuyện với nhiều người, thích tổ chức những chuyến đi chơi cho người khác...
Do đó tôi chọn theo học ngành quản trị lữ hành và nghĩ nó làm tôi hạnh phúc.
* Bạn nói không thích ban B nhưng đạt kết quả khá cao. Vậy việc học của bạn ở phổ thông như thế nào?
- Học phổ thông với tôi rất ngán, nhiều môn rất nặng. Ví dụ như môn hóa, tôi không thích lắm nhưng phải “đu” theo vì môn này trong ban B.
Nói chung, quá trình học cấp III nặng nề và việc xác định nghề nghiệp mơ hồ lắm. Tôi không biết được mình sẽ đi về đâu.
Cho đến lúc thi đại học xong, tôi vẫn chỉ xác định theo ngành điều dưỡng vì giỏi ban B mà thôi.
* Nếu chọn học nghề từ đầu, liệu kết quả học tập của bạn có tốt như vậy không?
- Vẫn phải cao. Khi làm việc gì tôi cũng cố gắng hết sức để biết giới hạn của mình ở đâu mà vượt qua, chứ không thể nào khi quyết định vào trường nghề thì mình xem nhẹ, hay không cố gắng học nữa. Tôi đã quyết định việc gì thì làm tới cùng.
“Chặt đứt đường lui”
* Bạn băn khoăn điều gì nhất khi bỏ đại học để chọn học trường nghề?
- Tôi sợ quyết định của mình không biết có sai hay không. Ít ai bỏ đại học để đi học nghề lắm. Khi nói điều này ra, tôi chỉ mấp mé với gia đình là có người bạn chọn như vậy.
Gia đình tôi không ủng hộ, nói tại sao đậu đại học mà lại chọn trường nghề, cấp bậc thấp hơn uổng lắm. Lúc đó tôi rất buồn.
Rồi tôi nói chuyện riêng với mẹ. Lúc đầu mẹ không đồng ý, mẹ cũng muốn tôi vào đại học. Tôi phải thuyết phục rất nhiều mẹ tôi mới bắt đầu tin tưởng, cho tôi đi học trường nghề. Nhưng dì của tôi không chấp nhận, không đồng ý với quyết định của tôi.
Dì cứ hỏi tôi tại sao đậu đại học mà học trường nghề thấp hơn như vậy? Nhiều người, kể cả người thân trong gia đình tôi, vẫn nghĩ rằng đích đến cuối cùng phải là đại học mới đúng, chứ không phải trường nghề.
* Bạn bè, thầy cô nói gì về quyết định của bạn?
- Có người bạn chia sẻ với tôi là con gái nên có một bằng đại học. Nhưng tôi nghĩ chẳng lẽ giá trị con người lại dựa trên bằng cấp như vậy?
Tôi nghĩ giá trị con người phải dựa trên nhân phẩm và kiến thức của người đó, đó mới là điều quan trọng. Còn chuyện bằng cấp, tùy vào năng lực của mỗi người mà họ sẽ đạt được đến đâu.
Khi tôi nói ý định của mình, cô giáo của tôi khá bất ngờ và hơi thất vọng. Cô nói với tôi: “Coi chừng sau này em hối hận đó”.
Lúc đó, tôi cảm thấy buồn khi quyết định của mình không được nhiều người ủng hộ. Nhưng tôi nghĩ hối hận vì con đường mình đã chọn vẫn hơn là hối hận vì con đường người khác chọn cho mình.
* Cô giáo nói vậy, bạn có bị lung lay không?
- Khi nộp đơn vào trường nghề, tôi nghĩ nếu đăng ký xét tuyển thêm vào đại học rồi nghe người khác nói vậy mình sẽ đi theo con đường đại học.
Nên tôi đã “chặt đứt đường lui” của mình bằng cách không nộp đơn xét tuyển vào bất cứ trường đại học nào hết.
Vì sao chọn trường nghề?
* Sao trường nghề hấp dẫn bạn đến vậy?
- Tôi tìm hiểu được biết trường nghề học thực hành 70%. Giảng viên là những người đã đi làm trong ngành tôi yêu thích.
Do đó họ có kinh nghiệm thực tế để chỉ cho mình những kỹ năng cần thiết, có lợi khi đi làm. Tôi quen một chị học tới năm thứ ba đại học ngành tài chính, chị phát hiện không thích ngành đó và cũng không thích học đại học vì học lý thuyết nặng, ít thực hành.
Chị nói rất chán. Chị đã từ bỏ đại học và quyết định theo ngành mình thích là ngành du lịch và học trường nghề.
Khi đưa ra quyết định, gia đình cũng không chấp nhận và từ mặt, không nói chuyện. Đến giờ gia đình vẫn giận chị, nhưng cũng xiêu xiêu rồi.
Tôi hỏi chị có hối hận không? Chị bảo không hề hối hận, mà rất đúng đắn khi học lại trường nghề. Từ câu chuyện của chị, tôi thấy mạnh dạn hơn khi chọn trường nghề.
Việc tôi chọn học nghề là tổng hòa nhiều yếu tố. Trong đó có một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài giờ học, tôi đi phụ bán hàng ở hội chợ để kiếm tiền ăn học.
Học đại học dài thời gian, tốn kém nhiều nhưng ra trường không biết có xin được việc hay không. Tôi muốn học nghề nhanh ra trường, có việc làm nuôi sống bản thân, phụ giúp mẹ.
* Thông tin cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có ảnh hưởng đến việc chọn ngành nghề của bạn?
- Cũng có một phần. Lúc đó tôi cũng khá bất ngờ tại sao trình độ cao hơn lại không có việc làm bằng bậc thấp hơn như vậy. Đó cũng là một trong những lý do tôi không vào đại học.
* Một bạn tốt nghiệp đại học và một bạn tốt nghiệp trường nghề ra trường, bạn đánh giá thế nào về cơ hội việc làm của cả hai trong xã hội hiện nay?
- Cái đó tôi nghĩ tùy vào năng lực mỗi bạn. Vì khi phỏng vấn tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ hỏi kỹ năng làm việc, kinh nghiệm, cách làm việc nhóm, cách trả lời phỏng vấn...
Người nào có nhiều kinh nghiệm, biết nhiều hơn, đã làm công việc nhiều hơn trước đó rồi thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Do vậy, quá trình học ở trường đạt được những gì mới là điều quan trọng.
“Hãy đi theo sở thích và đam mê”
* Nhưng nhiều người cho rằng đại học dành cho những bạn học giỏi và trường nghề dành cho những bạn yếu hơn?
- Điều đó tôi cảm thấy chưa đúng lắm. Tôi nghĩ đó có thể do định kiến của xã hội rất lâu rồi. Nhiều người không tốt nghiệp đại học, bằng khả năng và đam mê của mình vẫn có thể thành công hơn người có bằng đại học.
* Có nhiều bạn thích một ngành nhưng vì nhiều lý do phải học ngành khác. Bạn chia sẻ điều gì với những bạn này?
- Tôi chỉ nghĩ khi chọn ngành nên xem xét kỹ khả năng của mình đến đâu, sở thích của mình ở đâu rồi đưa ra quyết định. Chứ khi quyết định rồi, đi theo con đường đó rồi quay lại rất khó, bởi có nhiều thứ rào cản ràng buộc mình lại lắm.
Bằng cấp không phải là tất cả. Hãy đi theo sở thích và đam mê của mình, chỉ có vậy mình mới thành công thực sự. Còn khi mình theo ngành không mong muốn, dù giỏi đến cỡ nào rồi cũng có ngày mình sẽ nghĩ đến việc từ bỏ nó.
* Bỏ cơ hội vào đại học, giờ bạn có tiếc không?
- Lúc đầu cũng tiếc, nhưng giờ thì không (cười).
“Tôi ủng hộ con học nghề” Tôi bán trái cây ở chợ Xóm Củi (Q.8, TP.HCM) đã mười mấy năm. Hiện một mình tôi nuôi ba con ăn học nên hoàn cảnh khá khó khăn. Làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm đàng hoàng. Hoàng Anh học giỏi, tôi cũng kỳ vọng vào con lắm. Nhưng khi nghe con nói sẽ học nghề, không vô đại học, tôi ủng hộ con. Bởi vì gia đình khó khăn, học đại học tốn kém trong khi học nghề nhanh ra trường, có việc làm. Với lại, tôi cũng nghĩ làm được việc hay không là do mình, chứ bằng cấp không quan trọng. Tôi thấy nhiều cháu học đại học xong, ra trường không xin được việc làm tôi cũng lo. Con tôi học nghề, sau đó cháu ra trường đi làm rồi có điều kiện liên thông lên đại học cũng được. Bà Nguyễn hồng Thắm (42 tuổi, mẹ của Huỳnh Hoàng Anh) |
Thạc sĩ xã hội học TRẦN NAM (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM): Thoát được ra khỏi định kiến Từ câu chuyện của Hoàng Anh, tôi thấy bạn ấy đã chọn đúng xu hướng tất yếu của xã hội. Hoàng Anh bị những định kiến xã hội về trọng bằng cấp níu lại nhưng thoát ra được. Cần lưu ý là không có xã hội công nghiệp nào lại không cần người có tay nghề cao. Báo chí đăng nhiều bạn tốt nghiệp đại học không xin được việc phải giấu bằng đi làm công nhân. Trong khi những bạn học nghề bài bản, đàng hoàng phần lớn có việc làm. Xã hội cần khuyến khích các bạn trẻ học nghề, tinh thông nghề nghiệp. Tôi không phê phán việc các bạn trẻ mong ước có trong tay tấm bằng đại học, nhưng có một thực tế là với sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, các doanh nghiệp đang rất cần lao động có tay nghề cao. Giáo dục cần phải tạo cơ hội để các bạn trẻ liên thông từ bằng nghề lên cao đẳng, đại học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận