15/05/2020 17:23 GMT+7

Bộ Công thương sẽ trình sửa biểu giá bán lẻ điện vào cuối năm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Có nhiều bất cập trong biểu giá bán lẻ điện và đã được đưa ra lấy ý kiến từ năm 2019, Bộ Công thương khẳng định cuối năm nay sẽ trình phương án sửa biểu giá bán lẻ điện lên Chính phủ.

Bộ Công thương sẽ trình sửa biểu giá bán lẻ điện vào cuối năm - Ảnh 1.

Việc giảm giá điện được cảnh báo là tạo ra nguy cơ lỗ treo và áp lực tăng giá điện - Ảnh: EVN

Mở đầu cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn Bộ Công thương, cho biết dịch bệnh tác động mạnh tới nhiều ngành sản xuất, như công nghiệp chỉ tăng hơn 1,8% là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, riêng công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 3%.

Tình hình xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng, nhiều nhóm ngành đều giảm ở nhiều thị trường. Mặc dù vậy tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương, đảm bảo thặng dư cán cân thương mại, xuất siêu 2,8 tỉ USD là kết quả lớn.

Trong bối cảnh bước sang trạng thái mới, dịch COVID-19 được khống chế, nên theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác triển khai kế hoạch hành động về phòng chống dịch COVID-19, khôi phục và thúc đẩy sản xuất công nghiệp thương mại, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng những năm tiếp theo...

Ông Hải nhấn mạnh bộ đã giao cho từng đơn vị liên quan ngành, doanh nghiệp phải có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng chương trình hành động.

Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi liên quan đến việc triển khai thực hiện giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp liệu có gây nên lỗ treo cho ngành điện, tạo áp lực làm tăng giá bán điện hay không? Khi nào thì Bộ Công thương sẽ sửa biểu giá bán lẻ điện, vốn đang bộc lộ nhiều bất cập hiện nay?

Trả lời, ông Trần Tuệ Quang - phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho biết Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện trong thời gian dịch COVID-19, đặt ra yêu cầu không được lỗ treo doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2020 tổ chức giám sát chặt chẽ đơn vị điện lực, đơn vị thành viên, đảm bảo giá điện không tăng và quý III theo định kỳ sẽ công bố giá thành điện, công bố các thông tin minh bạch, công khai.

Về việc ngành điện có lỗ treo do giảm giá bán lẻ điện cho người dân và doanh nghiệp lên tới 11.000 tỉ đồng và có tạo áp lực cho tăng giá điện 2021 hay không, Tuổi Trẻ Online tiếp tục đặt câu hỏi sau họp báo nhưng ông Quang không thông tin cụ thể và nói sẽ "trả lời văn bản".

Về điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện, ông Quang cho biết từ tháng 6-2018, bộ đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng sửa đổi cơ cấu bán lẻ điện. Đầu năm 2019, Thủ tướng giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, làm rõ bối cảnh để sửa biểu giá sinh hoạt.

"Do các yêu cầu tình hình tiêu thụ điện, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp EVN điều chỉnh, lấy ý kiến, dự kiến cuối năm nay trình Thủ tướng để sửa đổi cơ cấu giá bán lẻ điện" - ông Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết gạo là mặt hàng xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy thời gian qua Bộ Công thương được giao điều hành xuất khẩu gạo, đảm bảo giám sát chặt chẽ và linh hoạt từng thời kỳ.

Giai đoạn tháng 3 khi có dịch bệnh đỉnh điểm, phức tạp không chỉ Việt Nam mà nhiều nước, nên tiến hành biện pháp thắt chặt hàng lương thực, thực phẩm như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ…

Bối cảnh như vậy thì Chính phủ có quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo, và cuối tháng 4-2020 tình hình có thay đổi, Chính phủ xem xét nới lỏng hoạt động xuất khẩu. Qua 4 tháng xuất khẩu gạo đã đạt 991 triệu USD, 2,1 triệu tấn, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu tăng nhẹ là 1,1%, còn về kim ngạch tăng 4,1%.

Để thực hiện quản lý, Bộ Công thương tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm quản lý xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế, phối hợp lực lượng để tăng kiểm tra giám sát chặt chẽ ngăn ngừa hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Đồng thời nghiêm túc yêu cầu thương nhân duy trì dự trữ xuất khẩu gạo 5%, nếu không thực hiện sẽ xem xét việc xuất khẩu gạo, đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo theo yêu cầu.

Nhiều ngành sản xuất giảm sâu, Bộ Công thương cấp tập tìm thị trường Nhiều ngành sản xuất giảm sâu, Bộ Công thương cấp tập tìm thị trường

TTO - Tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu bị chậm lại hoặc giảm sâu. Bộ Công thương phải liên tục xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với nhiều thị trường để mở đường cho doanh nghiệp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên