04/10/2016 09:44 GMT+7

Bộ Công thương lên tiếng về nhiệt điện than

ANH ĐỨC
ANH ĐỨC

TTO - Sáng 4-10, Bộ Công thương đã có văn bản đề cập tới chuyện các nhiệt điện nằm ở các trung tâm kinh tế sát biển, xả nước thải ra biển.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - Ảnh: Minh Trân

Tuy nhiên, Bộ Công thương chưa giải thích tại sao lại đặt cácvà liệu có thể giãn các nhà máy này ra xa khu dân cư không.

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2016 đến nay, bộ này đã tập trung kiểm tra tại 29 doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải ra biển hoặc cửa sông giáp biển, trong đó bao gồm các nhà máy nhiệt điện mà dư luận báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Về thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhiệt điện, Bộ Công thương khẳng định tất cả các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên vẫn tồn tại dự án có thay đổi hạng mục công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, như Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1 - của EVN. Vì thế, các dự án này chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường.

Cho biết hầu hết nhà máy điện đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện và xử lý khí thải để giải quyết một số chất độc như SO2, NOx đạt quy chuẩn môi trường, nhưng Bộ Công thương công nhận hiện còn hai nhà máy với công nghệ cũ, không lắp đặt hệ thống xử lý SO2 (là nhiệt điện Phả Lại I và Ninh Bình).

Tuy nhiên, dù lắp hệ thống khử nhưng với đặc thù công nghệ của nhiệt điện đốt than, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp, các nhà máy điện phải đốt kèm dầu FO, HFO hoặc DO. Lúc này Bộ Công thương công nhận hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, khi đó người dân sẽ quan sát thấy hiện tượng khói đen tại miệng ống khói.

Đặc biệt, Bộ Công thương công nhận hiện nay có tới 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra lên tới hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại quyết định số 1696/QĐ-TTg. 

Vướng mắc lớn nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất ximăng, gạch không nung có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Trước những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện nêu trên, Bộ Công thương nêu đã chỉ đạo nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết; trong giai đoạn vận hành thử nghiệm cần thông báo rộng rãi để chính quyền và người dân địa phương cùng giám sát.

Đối với tro xỉ nhà máy nhiệt điện, Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ.

ANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên