Chiều 2-2, họp báo Chính phủ thường kỳ do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì, thông tin phiên họp Chính phủ đã đánh giá tình hình thực hiện của tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng; xuất siêu đạt 3,6 tỉ USD...
Tập trung vào ba đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng
Tuy vậy còn không ít khó khăn thách thức, như kinh tế vĩ mô chưa ổn định bền vững, sức ép lạm phát còn cao, rủi ro tài chính, thị trường bất động sản còn khó khăn, các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp…
Do đó, cần tập trung đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đảm bảo các cân đối lớn, thực hiện đồng thời chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, điều hành cân bằng hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, lạm phát và tăng trưởng, đảm bảo thanh khoản an toàn hệ thống tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng.
Về câu hỏi liên quan đến tiến độ đánh giá tác động của giá điện, việc điều chỉnh giá điện ở mức trên hay dưới 10%, khi nào điều chỉnh giá điện và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh thế nào, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quyết định 24/2017 của Thủ tướng.
Chưa rõ thời điểm điều chỉnh giá điện
Trường hợp nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá sẽ tăng, và ngược lại. Tuy vậy, giá điện ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên việc điều chỉnh cần báo cáo Thủ tướng xem xét và có ý kiến.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân 2023. Báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên bộ kiểm tra, công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh. Đánh giá kỹ tác động tới kinh tế vĩ mô, các đối tượng dùng điện để đề xuất lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp.
"Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng phê duyệt, và phù hợp theo thẩm quyền. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì mới thực hiện" - ông Hải khẳng định.
Về khoản lỗ của EVN năm 2022, theo ông Hải, năm ngoái tập đoàn này lỗ khoảng 31.000 tỉ đồng. Do đó, để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn rà soát, đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Về xuất siêu trong tháng 1 đạt 3,6 tỉ USD và những khó khăn trong xuất khẩu, ông Hải cho rằng kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro. Nhiều thị trường có nhu cầu lớn đã giảm sút rõ rệt, đặc biệt là những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản hay Trung Quốc có sự phức tạp trong quản lý dịch COVID-19.
Chưa kể là đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, tồn kho tăng, ảnh hưởng tới nhu cầu người tiêu dùng tới những mặt hàng không có nhu cầu thiết yếu như dệt may, da giày, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thế giới.
Mặc dù vậy, ông Hải cho rằng kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký, nên nếu khai thác tốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Vì thế chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra là tăng 6%, đạt 393 - 394 tỉ USD, tăng thêm 22 tỉ USD trong năm 2022.
Về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh năm 2023 dự báo có nhiều thách thức, ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết năm 2023 có nhiều diễn biến khó lường và phức tạp.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ nghị quyết số 01 về thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó đã nhấn mạnh việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công, hiện đang tập trung cho việc giao dự toán, giao kế hoạch, chuẩn bị cho tăng tốc thực hiện trong thời gian tới.
Về giải ngân vốn đầu tư công, kết quả năm 2022 đạt gần 93%, cho thấy nỗ lực của Thủ tướng, Chính phủ và các bộ ngành. Dù không quá hài lòng với kết quả đạt được, song ông Phương cho rằng với số vốn hơn 700.000 tỉ đồng cần giải ngân, thì cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, phối hợp cùng tháo gỡ các khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận