Hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU và Mỹ vẫn gặp khó do một số đối tác tạm hoãn, hủy đơn hàng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thông tin trên được ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công thương bàn các giải pháp ứng phó dịch COVID-19 của ngành công thương vào chiều 20-3.
Theo đó, ông Linh cho biết Đại sứ quán Mỹ khẳng định cơ quan nước này không áp dụng biện pháp nào ngăn chặn trực tiếp việc tiếp cận thị trường với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Tương tự với Liên minh châu Âu (EU), phái đoàn EU tại Việt Nam cũng khẳng định hàng hóa dịch vụ cơ bản vẫn tiếp tục lưu thông, đảm bảo nguồn cung ứng, đặc biệt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thuốc men… mặc dù các nước trong EU đóng cửa biên giới.
Mặc dù vậy, theo ông Linh, các chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, di chuyển của các cá nhân có thể làm chậm trễ dòng chảy thương mại và dịch vụ, lưu kho, lưu thông hàng hóa trong thời gian tới.
Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ, nhiều cửa hàng bán lẻ tại các nước đóng cửa, nên nhu cầu hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ giảm, những mặt hàng không thiết yếu sẽ bị giảm tiêu thụ, làm ảnh hưởng chung tới tăng trưởng xuất khẩu vào hai thị trường lớn là Mỹ và EU.
Ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết thêm những khó khăn trong cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may và da giày đã từng bước được cải thiện, nhưng mới đây một số nhà mua lớn tại Mỹ và EU có yêu cầu hủy đơn hàng tháng 3 và hoãn đơn hàng tháng 4 - 6, nên tình hình rất khó khăn.
"Tiêu dùng trong nước chỉ chiếm 10% so với năng lực sản xuất của toàn ngành dệt may và da giày. Số lượng lao động hai ngành rất lớn, lên tới hàng triệu lao động, phần đông là lao động nông thôn, công tác an sinh xã hội đặt ra rất lớn" - ông Hoài cho hay cần duy trì sản xuất tối thiểu cho ngành mới đảm bảo được.
Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, thông tin thêm tình trạng rải rác có một số đối tác hủy, giãn đơn hàng với các ngành dệt may, da giày, gỗ và lâm sản diễn ra, về ngắn hạn có thể làm đứt gãy nguồn cung và lưu thông thương mại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn dự báo kinh tế thế giới suy thoái, có thể ảnh hưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, do đó, ông Khánh khuyến nghị cần sớm trình lên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để phê chuẩn, tận dụng hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận