Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, khi dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Mức điều chỉnh giá điện hiện tại không đủ thu hồi chi phí phát sinh
Theo bộ này, mặc dù đã có quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào, song thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh. Thực tế sẽ có những khoản chi phí chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính vào giá điện.
Trong khi đó, quyết định 24 quy định chu kỳ điều chỉnh là 6 tháng. Vì vậy, với việc giá điện cần được điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá.
Mục tiêu là vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, vừa có thể cân nhắc những thời điểm mà các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi để xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá điện. Từ đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Nội dung này cũng đã được lấy ý kiến các bộ ngành và không có ý kiến phản đối.
Giải trình thêm một số ý kiến chuyên gia về vấn đề này, đặc biệt là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền, cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN.
Bộ cho hay việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Do đó, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập là không cần thiết.
80% chi phí sản xuất kinh doanh điện ở khâu phát điện
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá, mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu. Có nghĩa khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo.
Theo Bộ Công Thương, cơ chế điều chỉnh giá điện tại dự thảo quyết định bao gồm 2 cơ chế: cơ chế điều chỉnh hằng năm theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu và cơ chế điều chỉnh trong năm theo biến động của chi phí khâu phát điện, phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.
Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN (trên 80%).
Chi phí này phụ thuộc giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện, tỉ giá ngoại tệ. Vì vậy cần xem xét tổng thể biến động của các yếu tố này tới chi phí phát điện.
Riêng về giá nhiên liệu, cần thiết phải xem xét biến động giá các loại nhiên liệu (than, dầu và khí) để phản ánh đầy đủ tác động đến chi phí phát điện.
Ngoài ra, do việc điều chỉnh giá điện cần thực hiện theo lộ trình để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, sẽ dẫn đến những khoản chi phí còn treo lại chưa được thu hồi trong lần điều chỉnh trước. Vì vậy ngoài chi phí phát điện, việc phân bổ các khoản chi phí còn treo này cũng cần được xem xét khi tính toán điều chỉnh giá điện ở các lần tiếp theo.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục bảo lưu quan điểm sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định thay thế quyết định số 24 đã được trình trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận