27/09/2022 11:28 GMT+7

Bộ Công Thương cảnh báo khả năng rút giấy phép, đình chỉ dự án điện mặt trời

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án điện mặt trời nào có vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cảnh báo khả năng rút giấy phép, đình chỉ dự án điện mặt trời - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.360MW, giảm so với đề xuất trước đó - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đó là quan điểm của Bộ Công Thương tại tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Liên quan đến ý kiến của tổng Thanh tra Chính phủ về việc chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII những dự án đã hoàn thành chưa xác định giá bán điện, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang triển khai thi công (tổng công suất khoảng 636MW), Bộ Công Thương đã có phản hồi.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng các dự án nêu trên (trừ các dự án không làm tiếp) đều đã triển khai trên thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã phát sinh chi phí. Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.360MW.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất này đã giảm so với con số đã báo cáo do một số dự án các chủ đầu tư không làm tiếp.

"Trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện dự án nào có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật", Bộ Công Thương khẳng định.

Trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục cho triển khai dự án đã có chủ trương đầu tư, được chấp thuận đầu tư và đang triển khai xây dựng, với tổng công suất 2.428MW. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản nêu ý kiến về việc bổ sung nhiều dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VII và cho rằng do công tác quản lý nhà nước về quy hoạch chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt… khi bổ sung dự án làm phá vỡ quy hoạch.

Thanh tra Chính phủ cho biết hiện nay cơ quan thanh tra đã và đang thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết đã tiếp tục rà soát các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư.

Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện với tổng công suất 452,62MW. Cụ thể, đó là nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, dự án điện mặt trời Trung Nam 450MW, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4.

Ngoài ra, có 11 dự án đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị (tổng công suất 426,6MW), 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (tổng công suất 1.481MW) và 3 dự án hoặc phần dự án chủ đầu tư không thực hiện với công suất 60MW.

Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí đã thực hiện ước tính khoảng 12.700 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất loại bỏ các dự án điện mặt trời đã chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136MW ra khỏi Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030, xem xét chấp thuận trong giai đoạn 2031-2045.

Dự kiến tăng thêm 700MW điện gió ở phía Bắc

Theo Bộ Công Thương, hiện nay công suất điện gió đang vận hành là 4.126MW. Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Tại tờ trình 4967 ngày 18-8-2021, Bộ Công Thương dự kiến năm 2030 công suất điện gió trên bờ lên đến 16.121MW, điện gió ngoài khơi là 7.000MW (riêng miền Bắc 4.000MW). Sau khi rà soát, điện gió trên bờ dự kiến tăng thêm 700MW tại miền Bắc để tận dụng tiềm năng gió tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nâng công suất điện gió trên bờ miền Bắc lên đến 3.516MW.

Khuyến khích điện mặt trời trên mái nhà tự dùng

dien mat troi 2

Lắp đặt điện mặt trời tự dùng trên mái nhà - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta còn rất lớn (ước khoảng 48.000MW). Do đó, Quy hoạch điện VIII khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và người dân phát triển mạnh điện mặt trời áp mái nhà với mục đích tự dùng, không bán vào hệ thống điện quốc gia. Loại hình này không giới hạn quy mô công suất phát triển, không phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện quy hoạch.

Bộ Công Thương cho biết cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, giá điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh, tiếp tục giảm trong những năm sắp tới. Dự báo giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 cent/kWh giai đoạn trước 2025 xuống mức 6,35 cent/kWh trước 2030 và 5,72 cent/kWh sau 2040.

Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 11 cent/kWh hiện nay xuống mức 9 cent/kWh trước 2030 và 6 cent/kWh sau 2040. Giá điện mặt trời có thể giảm xuống mức 5-6 cent/kWh trước 2030 và 4,8 cent/kWh sau 2040. Thậm chí một số dự báo cho thấy giá các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa.

Cục Điều tiết điện lực: EVN phải có trách nhiệm đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo Cục Điều tiết điện lực: EVN phải có trách nhiệm đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo

TTO - Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa có văn bản phản hồi đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi tập đoàn này đề nghị không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên