20/03/2019 08:48 GMT+7

Bộ Công thương cải tiến: Doanh nghiệp kêu 'cải lùi'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyd và các amin thơm của Bộ Công thương từng được xem là 'điểm sáng' trong cải cách thủ tục. Nhưng nhiều doanh nghiệp nói tuân thủ quy định mới còn khổ hơn trước.

Bộ Công thương cải tiến: Doanh nghiệp kêu cải lùi - Ảnh 1.

Trụ sở một trong những đơn vị được kiểm định hàng dệt may mà doanh nghiệp phải chạy tới - Ảnh: N.TRẦN

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, một số doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho biết việc kiểm tra hàm lượng formaldehyd và amin thơm với sản phẩm dệt may được quy định tại thông tư 21/2017 do ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) khiến họ khổ sở.

Đội thủ tục, chi phí

Theo quy định mới, tất cả sản phẩm may mặc (sản xuất trong nước và nhập khẩu) khi ra thị trường bắt buộc phải công bố hàm lượng formaldehyd theo quy chuẩn quốc gia. Tức là trước khi bán sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải báo cáo sở công thương về việc công bố hợp quy, gắn tem CR.

Vướng mắc ở chỗ dù hướng dẫn kiểm tra theo lô nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải kiểm tra từng mẫu sản phẩm.

"Chúng tôi mỗi năm nhập về cả nghìn lô, hàng nghìn sản phẩm. Mẫu mã hàng thời trang thay đổi liên tục. Theo yêu cầu làm hợp quy sản phẩm, có bao nhiêu lô, bao nhiêu mẫu thì phải lấy mẫu bấy nhiêu, hoặc các lô được nhập về cửa khẩu khác nhau thì cũng phải làm theo từng lô, mặc dù sản phẩm có thể cùng chủng loại, chất liệu, nhà cung cấp" - lãnh đạo một doanh nghiệp nói.

Sau khi thông tư 37/2015 (quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyd và amin thơm) được bãi bỏ vì doanh nghiệp tố gây tốn kém, những tưởng quy định mới của Bộ Công thương sẽ cải thiện hơn.

Nhưng theo doanh nghiệp, nếu như trước đây việc kiểm tra thực hiện lấy mẫu theo xác suất, nay thực tế doanh nghiệp phải kiểm tra theo lô và phải lấy mẫu theo từng sản phẩm khiến khó khăn nhân thêm bội phần; chi phí thực hiện có lô tăng lên gấp đôi.

Bộ Công thương cải tiến: Doanh nghiệp kêu cải lùi - Ảnh 2.

Hầu hết quần áo ngoài chợ hiện không dán tem hợp quy CR - Ảnh: N.TRẦN

Kiểm tra đi rồi... kiểm tra lại

Phóng viên Tuổi Trẻ đã khảo sát thực tế tại các trung tâm đánh giá sự phù hợp sản phẩm dệt may theo danh sách được Bộ Công thương chỉ định, kết quả, việc thực hiện chứng nhận và kiểm định hàm lượng formaldehyd và amin thơm rất phức tạp. Thậm chí có những nơi cách hiểu, áp dụng và thực hiện khác nhau, mức giá khác nhau.

Cùng với một doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm quần áo trẻ em thành phẩm đi làm chứng nhận hợp quy ở một trung tâm nằm trên đường Yết Kiêu (Hà Nội), phóng viên Tuổi Trẻ được cán bộ ở đây cho biết với hàng nhập khẩu là thành phẩm, việc kiểm tra sẽ dựa trên vận đơn, chứng từ của từng lô hàng, "lô nào về làm lô đó".

Thời gian để thử nghiệm và hoàn tất các thủ tục chứng nhận, cấp mẫu tem mất khoảng 1 tuần. Nếu hàng ở tỉnh ngoài phải mất thêm chi phí đi lấy mẫu.

Trực tiếp liên hệ với một trung tâm khác có phòng giao dịch ở Tân Triều, Hà Nội, cán bộ ở đây cũng hướng dẫn "cùng 10 lô mà một mặt hàng thì lấy 10 mẫu để kiểm tra".

Tuy nhiên, anh này giới thiệu thêm là có thể "lách" để giảm chi phí bằng cách doanh nghiệp "gom" các lô về kho, khi làm chứng nhận sẽ tính chung cho một lô, nhưng các mẫu sản phẩm vẫn phải kiểm định riêng. Anh này cũng "thật thà" cho biết trung tâm được Bộ Công thương cấp quyền được chứng nhận, nhưng lại không có máy móc thử nghiệm nên phải đi gửi bên thứ ba làm thử nghiệm.

Do chứng nhận chỉ có giá trị với từng lô hàng nhập khẩu, nên trường hợp những lô hàng được doanh nghiệp nhập khẩu sau này, dù có cùng chủng loại sản phẩm, mẫu mã đã được kiểm tra, vẫn tiếp tục phải lấy mẫu kiểm tra. Trường hợp với những sản phẩm đã có chứng nhận quốc tế, một trung tâm cho biết có thể bỏ qua khâu thử nghiệm nhưng vẫn phải lấy mẫu để lưu, làm chứng nhận trên nhãn hàng đó, tức vẫn phải mất phí chứng nhận.

Tính lô, tính mẫu để tính tiền

Tại các trung tâm kiểm định, chi phí để thực hiện việc chứng nhận và kiểm định cho mỗi lô/mẫu sản phẩm dệt may cũng khác nhau. Tại công ty kiểm định có tên Vinax..., chi phí chứng nhận cho sản phẩm đối với từng lô hàng được chia ra lô có giá trị dưới 25.000 USD, chi phí 1,5 triệu đồng; lô có giá trị trên 25.000 USD có giá 2 triệu đồng. Còn phí thử nghiệm cho lô có 1 mẫu sản phẩm 1,2 triệu đồng; với lô 2-5 mẫu tính thêm 800.000 đồng/mẫu...

Theo các doanh nghiệp, nếu theo báo giá mà các trung tâm đưa ra, chi phí chắc chắn không chỉ dừng ở đó. Trong khi với những đơn vị làm thương mại có hàng nghìn mẫu sản phẩm, chi phí sẽ đội lên rất nhiều...

Trong khi đó, ông Trần Việt Hòa, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương), cho biết đang có những cách hiểu khác nhau trong các đơn vị thực hiện.

Để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng "mỗi nơi hiểu một cách, mỗi nơi áp một kiểu", Bộ Công thương đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bản thân việc Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện quy định bằng công văn cần xem lại về tính phù hợp.

* Ông Cao Quốc Hưng (thứ trưởng Bộ Công thương):

Bộ sẽ kiểm tra

Ông Cao Quốc Hưng

Ông Cao Quốc Hưng (thứ trưởng Bộ Công thương)

Đã từng có trường hợp các cơ quan hướng dẫn thực hiện giải thích sai khiến doanh nghiệp phải làm thêm các thủ tục phức tạp. Do đó, Bộ Công thương đã hướng dẫn lại để các đơn vị triển khai thực hiện theo thống nhất.

Bộ sẽ kiểm tra các đơn vị kiểm nghiệm cũng như các sở công thương về việc triển khai thực hiện xem làm có đúng không, giá cả có thông báo đầy đủ không, thời gian làm có hợp lý không.

Chỉ sợ làm méo mó, có thể vô tình, có thể trình độ, hoặc cố ý nên phải đi kiểm tra, sau đó làm sách hướng dẫn để triển khai thực hiện.


* Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Không có ý nghĩa cải cách, trái thẩm quyền

Bà Nguyễn Minh Thảo

Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Với việc kiểm tra formaldehyd theo hình thức mà Bộ Công thương đưa ra, việc làm hợp quy không còn ý nghĩa gì về cải cách trong quản lý, vẫn là hành doanh nghiệp bởi thủ tục phức tạp hơn.

Tôi cho rằng nếu theo thông lệ kiểm tra quốc tế, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyd là cần thiết thì vẫn phải làm, nhưng cách thức quản lý thế nào là quan trọng. Với hàng cao cấp mà lấy mẫu như vậy thì không hiểu kiểm tra thế nào, doanh nghiệp sẽ thiệt hại.

Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định với sản phẩm có khả năng gây mất an toàn, Bộ Công thương chịu trách nhiệm với hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ...

Có nghĩa là không có quy định Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý với hàng dệt may. Hiện cũng chưa có quy định về việc này, nên việc ban hành quy định như doanh nghiệp phản ánh là đang ban hành không đúng thẩm quyền.

Nhiều sản phẩm dệt may không dán tem CR

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyd và các amin thơm, tất cả sản phẩm dệt may đưa ra thị trường phải công bố hợp quy, gắn dấu CR.

Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, việc thực hiện dán tem CR trên sản phẩm dệt may không nghiêm.

Những sản phẩm cao cấp, bày bán trong các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn, việc gắn tem CR được tuân thủ khá tốt. Tuy nhiên, đa số còn lại không được dán tem.

Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua Amazon

Amazon đã bắt tay với Bộ Công thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có cơ hội được bán trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên