Sau nhiều ngày neo dưới sông chờ đợi, một sà lan gạo đã được cập cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang) để chuyển gạo lên đóng container chờ xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 20-4 về việc các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn mà Tuổi Trẻ Online có được, nhiều nội dung cụ thể trong hai lần đề xuất đóng góp ý kiến mà Bộ Tài chính gởi cho Bộ Công thương khi xây dựng phương án điều hành xuất khẩu gạo tiếp tục được "hé lộ".
Theo Bộ Công thương, trong cả hai lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là "chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15-6-2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia".
Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Riêng phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch mà Bộ Tài chính cho rằng "ý kiến này của Bộ Tài chính đã không được Bộ Công Thương tiếp thu", Bộ Công thương lại khẳng định "Bộ Tài chính không những không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành FCFS, mà còn giúp Bộ Công thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch cũng như các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch".
Báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch.
"Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10-4-2020 tại văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng Chính phủ, sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo", Bộ Công thương trích dẫn.
Giải thích thêm về phương thức FCGFS, Bộ Công thương cho hay trước khi đề xuất phương thức FCFS, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất.
Và trong suốt hai tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của Đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản ký ngày 10-4, của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương vẫn một lần nữa gửi dự thảo quyết định của Bộ Công thương về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến. Và trong góp ý của mình, "Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS", báo cáo nêu rõ.
Bộ Công thương cho rằng, phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.
Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.
Thế nhưng, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn dẫn đến những bức xúc không đáng có.
Và theo Bộ Công thương, điều này không phải do lỗi tự thân của cơ chế FCFS.
"Nếu nó được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, nhưng vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất, trong đó có đấu thầu hạn ngạch", Bộ Công thương khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận