
Thép nhập khẩu ùn ùn nhập về Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước dư hàng, bán ế - Ảnh: T.L.
Mức thuế dao động từ 15,67% đến 37,13%, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ.
Áp thuế thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc
Theo quyết định, mức thuế cao nhất 37,13% được áp dụng cho thép mạ từ Trung Quốc, trong khi thép từ Hàn Quốc chịu mức thuế tối đa 15,67%.
Các sản phẩm thuộc diện áp thuế bao gồm thép carbon cán phẳng, dạng cuộn hoặc không cuộn với hàm lượng carbon dưới 0,6% theo khối lượng, đã được phủ, tráng hoặc mạ kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm hoặc hợp kim gốc sắt.
Tuy nhiên, một số loại thép đặc thù như thép mạ crom, thép không gỉ, hoặc thép mạ kẽm bằng phương pháp điện phân không nằm trong phạm vi áp thuế.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 12 tháng tính đến hết tháng 3-2024, Việt Nam đã nhập khẩu 454.000 tấn thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt trong 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu đạt khoảng 382.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ, dù Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ trước đó.
Bộ Công Thương nhận định việc nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh chóng có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời. Do đó, thuế chống bán phá giá tạm thời được xem là giải pháp cấp thiết để bảo vệ thị trường nội địa.
Doanh nghiệp chịu thuế và ngoại lệ
Trong số các doanh nghiệp bị áp thuế, Baosteel Zhanjiang Iron & Steel Co., Ltd. (Trung Quốc) cùng các công ty liên quan phải chịu mức thuế cao nhất 37,13%.
Tại Hàn Quốc, Hyundai Steel Company bị áp thuế 13,7%, trong khi các nhà sản xuất, xuất khẩu khác chịu mức 15,67%.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%, bao gồm Boxing Hengrui New Material Co., Ltd. và Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd. từ Trung Quốc; cùng POSCO, KG Dongbu Steel và Dongkuk Coated Metal từ Hàn Quốc. Đây là những công ty được đánh giá không gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép Việt Nam.
Trước đó, ngày 21-2, Bộ Công Thương cũng đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,3% đến 27,8%, có hiệu lực từ ngày 8-3-2025 trong 120 ngày.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận