Tại họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra cho Bộ Công an về việc bắt tạm giam ông Đỗ Hữu Ca, điều tra tại các trung tâm đăng kiểm, ứng xử trong không gian mạng từ vụ việc bà Phương Hằng. Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã thông tin cụ thể các vụ việc này.
Ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận tiền, nhưng chưa "tác động" ai để "chạy án"
Về vụ ông Đỗ Hữu Ca, theo ông Tô Ân Xô, qua chứng cứ và tài liệu thu thập được, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định hành vi của ông Ca đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 của Bộ luật hình sự.
Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định khởi tố bị can với tội danh nêu trên và Viện kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.
Thông tin thêm, ông Tô Ân Xô cho biết trong quá trình xét hỏi, ông Ca tỏ ra hợp tác với cơ quan điều tra, khai đã nhận tiền của doanh nhân, nhưng không (chưa) tác động cá nhân, cơ quan tổ chức nào để "chạy án".
Theo đó, ông Ca đã nộp lại số tiền "chạy án" 35 tỉ đồng cho cơ quan điều tra.
Ông Xô khẳng định hiện cơ quan điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi tội phạm của ông Ca và những người liên quan để xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ đăng kiểm
Về vụ đăng kiểm, ông Xô cho biết công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với các tội danh môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.
So sánh như vụ Việt Á, ông Xô khẳng định số bị can trong vụ này chắc chắn không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm. Với hoạt động đăng kiểm, có ba mảng chính là kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và hoán cải phương tiện.
Tuy nhiên, công an đang tiếp tục điều tra một số hoạt động khác, ví dụ kiểm định phương tiện nội thủy cũng có “rất nhiều vấn đề”.
Qua xác minh ban đầu, các cán bộ của Cục Đăng kiểm và trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua lỗi. Ví dụ lỗi không đưa phương tiện thủy lên kiểm tra, không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có đèn tín hiệu, thiếu thiết bị an toàn… nhưng vẫn lập báo cáo kiểm định an toàn, đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường.
Thêm nữa, việc hoán cải phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng đăng kiểm lập công ty “sân sau”, móc nối các công ty này để bỏ qua lỗi qua quá trình thẩm định; lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải, sau đó chỉ nộp tiền hợp thức hóa, móc nối các trung tâm đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận.
Với vụ án liên quan tới bà Phương Hằng và việc bắt thêm những đối tượng liên quan, ông Xô cho hay nội dung vụ việc không có gì mới.
Tuy nhiên, về việc phát ngôn trên không gian mạng, ông Xô khuyến cáo mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ khác được pháp luật đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát ngôn, bình luận và đăng tải chia sẻ thông tin phải tuân thủ quy định, chuẩn mực đạo đức.
“Chỉ nên chia sẻ thông tin chính thống, nguồn tin tin cậy. Có hành vi ứng xử phù hợp đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc, không sử dụng ngôn ngữ gây hằn thù, kích động, bạo lực và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, sử dụng ngôn ngữ phản cảm” - ông Xô nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận