Dự thảo quy định chi tiết một số điều của được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an cùng với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 2 tháng kể từ ngày 2-11.
Dự thảo nghị định gồm 6 chương 30 điều.
Các ý kiến đóng góp gửi về Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, địa chỉ 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: [email protected].
Dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam
Điều 24 dự thảo quy định dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam. Bao gồm:
Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.
Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị.
Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác
Tất cả các dự liệu trên đều phải lưu trữ tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nào phải đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam
Điều 25 dự thảo quy định doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam
Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đầy đủ các điều kiện sau đây phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam:
a) Là doanh nghiệp cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau đây: Dịch vụ viễn thông; Dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; Cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; Thương mại điện tử; Thanh toán trực tuyến; Trung gian thanh toán; Dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; Mạng xã hội và truyền thông xã hội; Trò chơi điện tử trên mạng; Thư điện tử.
b) Có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý các loại dữ liệu quy định tại Điều 24 nghị định này.
c) Để cho người sử dụng dịch vụ thực hiện hành vi được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 Luật an ninh mạng.
d) Vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 8, điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 26 Luật an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu doanh nghiệp đủ điều kiện quy định lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp không chấp hành quy định tại Khoản 2 điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian lưu trữ dữ liệu theo dự thảo sẽ có thời hạn tối thiểu 12 tháng, 36 tháng hoặc được lưu trữ theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ tùy theo từng trường hợp theo quy định của Luật an ninh mạng.
Mời xem toàn văn dự thảo nghị định .
Bộ Công an: quy định an ninh mạng không trái cam kết quốc tế
Đó là khẳng định của thiếu tướng Lương Tam Quang - chánh văn phòng Bộ Công an - tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 3-11.
Cụ thể, quy định lưu trữ, đặt chi nhánh và văn phòng đại diện tại VN phù hợp vì đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hi Lạp.
Theo ông Quang, ngày 25-5-2018, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân và yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ phải công khai khách hàng sử dụng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu thông tin cá nhân cho bên thứ ba, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu euro, hay 4% doanh số toàn cầu.
Ông Quang cho biết thêm quy định đặt văn phòng đại diện của Luật an ninh mạng phù hợp với khả năng doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook đặt khoảng 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới.
"Đặc biệt, quy định về an ninh mạng không trái với cam kết quốc tế, như các hiệp định EVFTA, CPTPP. Trong CPTPP có điều khoản ngoại lệ về an ninh quốc gia, tôn trọng, đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào" - ông Quang nói.
BẢO NGỌC cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận