Hộ khẩu và chứng minh nhân dân là những giấy tờ cần thiết khi người dân cần làm thủ tục hành chánh tại công sở - ẢNh: TỰ TRUNG
Các đại biểu (ĐB) thảo luận vào một số điều khoản còn ý kiến trái chiều, trong đó tập trung nhiều nhất là quy định về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú.
Tránh "gây khó" khi dân đăng ký thường trú
ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) tán thành việc dự thảo luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương. Bởi theo ông Phòng, luật hiện hành đã quy định nhưng chưa có hiệu quả.
Thực tế người dân vẫn sinh sống ở đó, vẫn di dân và vẫn tăng dân số cơ học dẫn tới một tỉ lệ khá lớn người dân tạm trú không ổn định, gây khó khăn trong quản lý cư trú và kiểm soát an ninh, trật tự tại địa phương. Mặt khác cũng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là quyền cơ bản của trẻ em như được đi học, được chăm sóc y tế...
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng Luật cư trú hiện hành quy định đăng ký thường trú ở các TP lớn chặt chẽ hơn so với các địa phương khác nhằm kiểm soát tăng dân số cơ học tại các TP. Nhưng thực tế các biện pháp hành chính không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
"Vì vậy, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc trung ương là thật sự cần thiết, đảm bảo tốt nhất về quyền tự do cư trú của công dân", ông Hòa nhấn mạnh.
Thường trú phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu?
Liên quan đến quy định điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án.
Phương án 1: bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Phương án 2: đã đăng ký tạm trú trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương đó từ một năm trở lên. Nội dung này tiếp tục gây tranh luận trái chiều.
ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) ủng hộ phương án 1. Theo bà Dung, mỗi tỉnh, thành và mức gia tăng dân số cơ học là khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, nên để HĐND tỉnh quyết định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương.
Đồng thời, theo bà Dung, việc quy định điều kiện đăng ký thường trú phải có thời gian tạm trú từ một năm trở lên tại địa bàn là không hợp lý. Bởi việc xác định thường trú hay tạm trú của mỗi công dân còn phụ thuộc vào mục đích sinh sống tại nơi đó của từng người. Ví dụ, thường xác định thường trú là để lập nghiệp, còn học tập chỉ là tạm trú, dù thời gian học có thể kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng cả hai phương án này đều chưa phù hợp, chưa đủ điều kiện. Vì theo ông Trí, công dân đăng ký thường trú tại một nơi nào đó thì phải thật sự sinh sống ổn định, lâu dài ở nơi đó và phải có không gian sống tối thiểu. Do đó, ông đề nghị nghiên cứu quy định điều kiện được đăng ký thường trú tại khoản này là "bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu và đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên".
Trao đổi vấn đề bày, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết quy định 8m2/người chỉ áp dụng với những người thuê, ở nhờ, không áp dụng khi chủ hộ đăng ký thường trú.
"Ví dụ như khu Hàng Ngang, Hàng Đào, TP Hà Nội rất chật nhưng người ta có hộ khẩu thường trú rồi, gia đình người ta ở rồi, con cái người ta phát triển lên rồi. Hoặc là trước đây cán bộ chỉ có căn hộ 24m2, 5-7 người ở, nhiều thế hệ ở thì người ta đã thường trú ở đấy rồi, bây giờ quy định phải từ 8m2 trở lên mới được đăng ký thường trú thì không phải", ông Tô Lâm giải thích.
Cho sử dụng hộ khẩu đến khi nào?
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần một giai đoạn chuyển tiếp - từ sau khi luật có hiệu lực đến khi bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do vậy, đại biểu đề nghị chọn phương án cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy tiếp tục được sử dụng đến ngày 31-12-2022.
Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc bỏ hộ khẩu đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi. Theo ông Lâm, đến nay thông tin cơ sở dữ liệu về dân cư đã thu thập được khoảng 90%, bây giờ chỉ thẩm định, phúc tra và đưa vào trong hệ thống máy. Còn 10% sẽ cố gắng, có thể hoàn thành trong năm 2020.
Do vậy, Bộ Công an rất mạnh dạn và đề nghị theo phương án: các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành là 1-7-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận