Lực lượng chức năng kiểm tra việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên ôtô - Ảnh: D. TẤN
Đề xuất trên được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo lần 2 thông tư hướng dẫn về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Dự thảo được Bộ Công an đăng tải công khai để lấy ý kiến trong 2 tháng.
Khác biệt lớn nhất của dự thảo này với thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26-10-2015 của Bộ trưởng Bộ Công an là đề xuất bỏ quy định bắt buộc xe 4 chỗ phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Theo dự thảo, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi thay vì phải có bình chữa cháy thì chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Bộ Công an đề xuất quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy chỉ áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên và các phương tiện khác đã quy định trong thông tư 57.
Theo Bộ Công an, đề xuất bỏ quy định bắt buộc có bình cứu hỏa với xe từ 4 chỗ là để phù hợp với dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật phòng cháy chữa cháy bộ đang xây dựng, dự kiến có hiệu lực trong năm 2020.
Cục Cảnh sát giao thông được giao trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với xe cơ giới đường bộ.
Thông tư 57 của Bô Công an quy định ôtô từ 4 chỗ phải lắp bình cứu hỏa có hiệu lực từ năm 2016. Trường hợp tài xế không trang bị phương tiện phòng cháy theo quy định sẽ bị phạt 300.000-500.000 đồng
Thời điểm đó đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc quy định có khả thi hay không.
Thực tế nhiều chủ ôtô cho biết phải mua bình chữa cháy lắp đối phó với cơ quan chức năng, nhưng cũng lo lắng về xuất xứ của bình chữa cháy. Đã có vụ việc bình chữa cháy để trong ôtô phát nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận