29/06/2022 20:42 GMT+7

Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân người Việt phạm pháp ở nước ngoài nhiều

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Theo thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, tình trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần sự phối hợp đa ngành và đồng bộ để ngăn chặn.

Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân người Việt phạm pháp ở nước ngoài nhiều - Ảnh 1.

Hội nghị quán triệt và triển khai kết luận 12 và nghị quyết 169 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra tại Hà Nội chiều 29-6 - Ảnh: CTV

"Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã phối hợp điều tra, xác minh, xử lý gần 800 vụ việc theo yêu cầu của các nước liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị nước ngoài trục xuất", thượng tướng Lương Tam Quang nêu số liệu trong tham luận đọc tại Hội nghị quán triệt và triển khai kết luận 12 và nghị quyết 169 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ngày 29-6.

Theo ông Lương Tam Quang, trong những năm qua Bộ Công an đã thường xuyên trao đổi với các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật.

Thông qua các cơ chế hợp tác Interpol, ASEANPOL và các kênh hợp tác chuyên ngành, Bộ Công an đã ngăn chặn từ sớm, ngay từ nước sở tại các đường dây, đối tượng lôi kéo, dụ dỗ ép buộc người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của cộng đồng, khiến người Việt ở nước ngoài trở thành mục tiêu của lực lượng thực thi pháp luật sở tại.

Nổi cộm trong số này là việc cư trú bất hợp pháp, nhập cư bất hợp pháp, tội phạm liên quan buôn bán người, ma túy, mại dâm, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã...

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây đã xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân người Việt phạm pháp ở nước ngoài nhiều - Ảnh 2.

Thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, đọc tham luận tại hội nghị chiều 29-6 - Ảnh: CTV

Theo thượng tướng Lương Tam Quang, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do những khó khăn và vướng mắc làm giảm hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Chẳng hạn quy định pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chưa quy định hậu quả pháp lý cụ thể đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài. Các chế tài với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng người Việt đi làm theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước sở tại chưa đủ nghiêm khắc.

Việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong giải quyết tình trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài còn chậm, hiệu quả chưa cao. Những hành vi này cũng thuộc quyền tài phán nước sở tại, do đó việc thu thập xác minh thông tin, củng cố tài liệu xử lý theo pháp luật Việt Nam khá khó khăn.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho biết có tình trạng nước ngoài đẩy, đuổi bí mật người Việt bị xét xử về nước qua các đường mòn lối mở do Việt Nam và các nước này chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hình sự hoặc dẫn độ tội phạm. Điều này gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, phối hợp điều tra, xét xử thu hồi tài sản phạm tội và quản lý công dân.

Cần phối hợp giữa nhiều bộ

Để ngăn chặn triệt để tình trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài, thứ trưởng Bộ Công an đề xuất một số giải pháp cần nhiều bộ vào cuộc.

Chẳng hạn Bộ Lao động - thương binh và xã hội nên thúc đẩy hợp tác với các nước để mở rộng các ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, siết chặt quản lý các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài.

Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tăng cường nắm tình hình cộng đồng ở nước ngoài và kiểm tra, không để lợi dụng đường du lịch để ở lại bất hợp pháp.

Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân người Việt phạm pháp ở nước ngoài nhiều - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: CTV

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết công tác người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị.

Nhắc đến thực trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng đây chỉ là hành vi của một nhóm rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

"Chúng tôi cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong việc hỗ trợ bà con Việt Nam hội nhập thành công, tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại", người đứng đầu Bộ Ngoại giao nêu.

Ngoài tham luận của Bộ Công an, tại hội nghị ngày 29-6 còn có tham luận của một số bộ và ban ngành bàn về các biện pháp đổi mới việc dạy và học tiếng Việt với người Việt ở nước ngoài; cải thiện cơ chế tiếp nhận, phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; các biện pháp phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Hơn 500 đại biểu đã có mặt tại hội nghị cùng với các đại biểu tham dự trực tuyến thông qua khoảng 200 điểm cầu cả trong và ngoài nước.

Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (gọi tắt là kết luận 12) được Bộ Chính trị ban hành ngày 12-8-2021, trong đó nhấn mạnh người Việt Nam là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31-12-2021 đã cụ thể hóa các yêu cầu trong kết luận 12, tập trung vào đại đoàn kết dân tộc và phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với người Việt ở Mỹ: Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với người Việt ở Mỹ: 'Nhiễu điều phủ lấy giá gương'

TTO - Tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở Bờ Đông Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng người Việt ở Mỹ thực hiện tốt mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương; con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng’.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên