Và anh lại tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ ở quê. Anh tên là Ngô Văn Lanh, 38 tuổi, ở ấp 2, xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).
Phóng to |
Kẻ ngoại đạo
Đó là năm 1992. Lanh nói mỗi ngày ôm cặp vô lớp thấy ngán đến tận cổ. Nhà có sáu anh em, ai cũng học hành bằng cấp đàng hoàng, duy chỉ Lanh là muốn bỏ ngang, ba mẹ hết sức buồn phiền.
Anh rời quê lên Sài Gòn tìm việc. Một lần tình cờ ghé vô cơ sở điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), Lanh thấy thích thú những tượng Phật Quan Âm, Quan Công, long lân quy phụng… được chạm trổ rất đẹp. Anh say sưa đứng ngắm cả buổi. Về nhà trọ, trong đầu anh cứ lởn vởn hoài suy nghĩ: “Mình làm nghề này được không ta?”.
Anh mạnh dạn xin học nghề. Ngó bộ dạng quê mùa của anh, ai cũng lạnh lùng. Anh thật thà: “Dạ, con ở tuốt Hậu Giang lận, thấy nghề này thích quá, cho con học bao lâu cũng được, miễn là được cầm búa, cầm đục”. Ông chủ là một nghệ nhân điêu khắc gỗ, tên Lê Hoàng Tùng, người gốc Huế, thấy vẻ chân thành của anh nên kêu vô hỏi chuyện: “Nghề này học lâu thành lắm, tới 3-4 năm lận, ai dễ nản chí thường bỏ ngang, uổng phí lắm…”. Anh nằn nì: “Con chịu khó được, chắc chắn sẽ học tốt”. Thấy anh quyết tâm quá, thầy đồng ý.
Nhóm thợ lúc đó hết thảy 15 người đều từ Huế vô. Chỉ có anh từ miền Tây lên. Họ nói vui anh là “người ngoại đạo”.
Nghề không bằng cấp
Có nghề thì dạy được nghề Ông Lê Văn Sơn, phó bí thư Đảng ủy xã Vị Bình, cho biết ở miền Tây mà có cơ sở điêu khắc gỗ như Lanh là điều hiếm thấy. Một người chưa tốt nghiệp phổ thông, không có bằng cấp mà dạy nghề được càng hiếm thấy hơn. Trong khi việc làm ở quê đang thiếu, học sinh không biết học nghề gì, ở đâu thì cơ sở của Lanh là mô hình dạy nghề tốt, đáng được nhân rộng. Địa phương đang cố gắng hỗ trợ Lanh phát triển cơ sở gắn với dạy nghề, góp phần giải quyết chuyện học nghề và tìm việc làm cho thanh niên nông thôn. |
Anh học những việc giản đơn trước, từ cầm kéo cắt tỉa, cạo giũa, làm sạch những phần phụ râu ria cho tới cầm đục tỉa. Mất hơn sáu tháng trời thầy mới dạy cho anh nắm bắt phần “hồn” của môn học: sức sống của những tác phẩm điêu khắc. Từ khúc gỗ vô tri làm sao thổi “hồn” vô, biến chúng thành bức tượng sống động. Khó nhất là khắc hình đôi mắt. Dù cho những hoa văn có tinh xảo tới đâu, nhưng đôi mắt tượng thiếu hồn trong đó thì coi như bỏ.
Được hai năm, anh bắt đầu làm được những tượng đơn giản. Thầy nhận xét anh tiến bộ rất nhanh, có niềm say mê và yêu nghề. Thầy tiếp tục giao việc khó hơn, chi tiết nhỏ hơn như tỉa lông cánh đại bàng, tạo hoa văn trên bộ giáp sắt, khắc hình rồng trên áo mão cân đai. Anh tiếp thu và thực hiện thành thạo.
Tới năm thứ ba, thầy giao một khối gỗ và nói: hãy tự nghĩ mình nên làm gì với nó! Thầy căn dặn: phải biết tư duy sáng tạo, dồn tâm huyết vô nó, phải thấy trong đó có gì…
Lanh mất ngủ hai tuần mới nghĩ ra cách biến khúc gỗ chết thành bức tượng sống. Anh quyết định tạc hình con đại bàng tung cánh. Mất hai tháng, tác phẩm hoàn thành. Thầy nhận xét: đạt 50% yêu cầu. Và đó cũng là điểm cao nhất ông cho từ trước tới nay.
Tháng 8-1995 đối với anh là một ngày quan trọng: ra nghề. Buổi lễ được tổ chức đơn giản, có mâm cơm cúng tổ, thắp vài nén nhang, thầy công bố những người “xuống núi”. Tất cả năm người, trong đó có Lanh. Ông xúc động: “Học nghề này các em không được trao bằng cấp gì. Nhưng các em có được điều quý giá hơn bất cứ bằng cấp nào trong cuộc đời: đó là tay nghề”.
Đứng lớp dạy nghề
Học xong, anh xin ở lại làm với thầy được hai năm, rồi chuyển qua một công ty mỹ nghệ ở quận 12. Được ba năm, anh lại chuyển qua một công ty khác ở Hóc Môn. Nhờ “chạy chỗ” nhiều nên học được nhiều, tay nghề càng vững hơn.
Rồi Lanh về quê mở xưởng, năm 2007. Cơ sở của Lanh là một xưởng gỗ nằm bên bờ kênh xáng Xà No - quê hương anh, với lỉnh kỉnh khúc cây, mạt cưa, tượng gỗ còn dang dở. Anh đã sắm được máy cưa, bộ đồ nghề với đầy đủ đục, búa, giũa, cạo… Đó là gia sản của anh tích cóp từ năm năm nay.
Tính tình thiệt thà, chịu khó, dần dà Lanh có được mối hàng từ Vị Thanh tới Cần Thơ. Sau ba năm mở xưởng, anh có nguồn hàng ổn định. Biết tiếng Lanh, khách hàng đặt thêm đồ cao cấp. Làm một mình không xuể, anh tuyển thêm thợ phụ giúp một tay.
Biết quê mình còn nhiều thanh niên bỏ học, thiếu việc làm, Lanh rủ mọi người đến để truyền nghề. Hiện Lanh có ba thợ có thể thay anh đảm nhận những món hàng đơn giản. Anh Ngô Bảo Hiếu, một trong những thợ ruột của Lanh, phấn khởi: “Tụi mình trước đây làm mướn, vác mía, nhổ cỏ, cuốc đất cực quá mà không có tương lai. Nhờ có anh Lanh dạy nghề nên thu nhập ổn định. Lương mỗi thợ được 2-3 triệu đồng/tháng, ở quê nên cũng sống được. Em còn dư gửi cho mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng”.
Thấy Lanh dạy được nghề, tạo được việc làm, Trung tâm dạy nghề huyện liên kết mở lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn. Lanh đã lên giáo án, chương trình dạy và có kế hoạch nhân rộng nghề này ra toàn huyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận