08/04/2015 12:30 GMT+7

​Bo bo từ đâu ra?

 QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Sau khi thị sát tình hình Nam bộ, phó thủ tướng Phạm Hùng phát biểu ngày 10-9-1979 ở TP.HCM: “Nhiều tỉnh đã tiến hành tập thể hóa theo kiểu mệnh lệnh, gò ép.

Lúa miến (sorghum) - nỗi ám ảnh một thời đối với người dân VN với tên gọi bo bo - Ảnh tư liệu

Chẳng những thế còn có tình hình ức hiếp, còng kẹp, tập trung học tập để gò ép vào tập đoàn. Các tập đoàn không có nội dung nhưng vì sợ phê bình làm chậm nên thành lập vội vã. Có nơi tình hình này rất nghiêm trọng: đánh trói nông dân, bắt tập trung học tập cải tạo cho thông rồi mới cho về...”.

Hậu quả là sản lượng lương thực Nhà nước huy động trong năm 1979 chỉ còn được 1,45 triệu tấn, sút giảm nghiêm trọng so với 2,04 triệu tấn năm 1976. Sản lượng lúa đầu người, tức nồi cơm người dân, cũng giảm từ 211 kg/người năm 1976 xuống còn 157 kg/người năm 1980.

Bo bo cứu đói

Trong hồi ký của mình, nguyên phó thủ tướng Trần Phương kể: “Nhiệm vụ nặng nhất của Chính phủ và của phó thủ tướng phụ trách lưu thông hồi ấy là chạy gạo. Nhu cầu gạo ăn và thóc giống mỗi năm phải đảm bảo tối thiểu 300kg thóc/đầu người.

Dưới mức ấy phải “vác rá” đi xin viện trợ của các nước anh em hoặc vay nợ để mua lương thực”. Chính vì tình hình nghiêm trọng như vậy nên cơ cấu bữa ăn được độn cả rau, khoai vào, mà đặc biệt là bo bo đã thành nỗi ám ảnh của người dân.

Giáo sư Nguyễn Văn Luật, nguyên viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, kể khi còn đi học đã thấy Liên Xô và nhiều nước khác trồng bo bo, nhưng họ ít sử dụng trực tiếp làm thực phẩm cho con người.

Tinh bột chủ yếu trong bữa ăn của họ là khoai tây, bột mì đã qua chế biến và một ít cơm gạo. Loại bo bo mà dân Việt một thời phải trệu trạo nhai để sinh tồn còn gọi lúa miến (sorghum), là loại cây chịu hạn rất tốt.

Vẻ ngoài của nó rất giống cây bắp, nhưng trổ ra chùm nhiều hạt nhỏ như hạt đậu ở phần ngọn. Bo bo có vỏ rất cứng không thể nấu ăn trực tiếp như kiểu người Việt từng phải ăn. Liên Xô, Ấn Độ cùng một số nước khác từng viện trợ và bán nợ bo bo cho VN làm lương thực. Ngoài ra cũng có một số thực hiện theo nghị định thư hàng đổi hàng.

Ngoài bo bo, người dân VN còn ăn độn lúa mì và lúa mạch nguyên hạt chưa xay, được quen gọi chung là bo bo. Theo giáo sư Mai Văn Quyền - chuyên gia cây lương thực, từ thời chiến miền Bắc VN đã nhập lúa mì (wheat) nguyên hạt từ Liên Xô về làm lương thực tạm.

Để làm thực phẩm cho con người phải qua xay xát thải cám, lên men thành bột mì nhưng nhiều đợt VN không có điều kiện làm kịp nên đưa thẳng đến người dân. Ngoài cách ngâm nước, nấu lâu để ăn trực tiếp như cơm, người dân còn tự giã làm bột, nhưng vẫn dai cứng do không lên men được.

Đặc biệt, lúa mì được nhập thời kỳ ấy có phẩm cấp thấp từ đầu nguồn, lại tiếp tục bị suy giảm ở khâu vận chuyển nên thành “miếng khổ nhớ đời”. Miền Bắc từng trồng thử lúa mì vào vụ đông xuân với năng suất 2-3 tấn mỗi mẫu trong thời gian 80-90 ngày nhưng không phát triển đại trà được vì sâu bệnh...

Riêng lúa mạch (barley) chủ yếu dùng trong công nghiệp chế biến rượu bia, thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học. Một số ít được làm bánh kẹo truyền thống nhưng phải qua xay xát kỹ và trộn thêm với các loại bột khác như bột mì, bắp và sữa.

Nó không được làm thức ăn trực tiếp như gạo nấu cơm ăn ngay cho con người. Tuy nhiên, người VN cũng từng trệu trao nhai nó trong thời đói kém.

Ông Hải (nhân viên Sở Ngoại vụ TP.HCM) với thùng sắt đựng bo bo được giữ làm kỷ niệm: “Bo bo ăn thế nào ra thế đấy, nhưng nó đã cứu đói gia đình tôi” - Ảnh: Q.V.

Từng được trồng, nhưng dân chê

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhớ: “Năm 1972, miền Nam đưa hạt giống bo bo, tức lúa miến, về trồng trong chương trình đa canh hóa. Đầu tiên bo bo được trồng thí nghiệm ở Cần Thơ và Bình Đức, An Giang. Sau mùa thu hoạch lúa nổi tháng 12, hạt bo bo được gieo.

Hồi ấy vùng đất này rất màu mỡ nhờ phù sa lũ và rơm rạ sau vụ lúa. Sản lượng bo bo trồng khoảng 3-4 tấn/ha qua ba tháng”. Sau năm 1975, bo bo tiếp tục được trồng ở vùng này trong chương trình mở rộng nguồn lương thực vì hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên nó không được phát triển đại trà vì bị dân chê khó ăn.

Giáo sư Luật chưa quên miền Bắc sau năm 1975 cũng trồng thử cây này nhưng không thể mở rộng vì năng suất kém. Vợ ông Luật từng nhận ít hạt bo bo về trồng ở vườn mà chưa lần nào được ăn.

Mới đầu hàng xóm tưởng giống bắp mới, nhưng nó không cho trái lớn mà đậu thành từng chùm hạt tròn và bị sâu bệnh phá hoại dữ dội. Hiện nay hầu như chỉ một số vùng núi Tây Bắc và Bắc Trung bộ còn lẻ tẻ trồng bo bo phù hợp với đất khô nóng.

Hồi khó khăn, gia đình ông Luật ở Thanh Trì, Hà Nội, được phân phối bo bo. Với tem phiếu giáo viên, bà Trần Thị Minh Thu, vợ ông, được mua 13kg lương thực. Có đợt bà nhận một nửa bo bo, nửa gạo, có đợt toàn bo bo.

“Hồi ấy đói khủng khiếp. Những nhà không có tem phiếu càng đói gay gắt. Bây giờ nghĩ lại không hiểu sao mình ăn bo bo nổi. Thế mà hồi ấy nó vẫn bị người ta ăn cắp vì quá đói”- bà Thu kể mình đi dạy cất bọc bo bo ở góc phòng bị lấy mất.

Bà phải vay tiền ra mua tạm ngoài chợ đen với giá đắt hơn gấp mấy lần. Con bà lúc ấy mới 5 tuổi cũng phải nhai bo bo cứng ngắc, nên nhà lúc nào cũng lộp cộp tiếng giã bo bo trong cối giã cua...

Đến giờ ông Nguyễn Nhật Tân, lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại thương, vẫn nhớ chính vì bữa ăn người dân khổ sở như vậy nên Chính phủ phải căng thẳng xoay xở. Tàu vận chuyển vừa về Hải Phòng hay TP.HCM là phải nhanh chóng bốc dỡ đưa về hệ thống phân phối quốc doanh cho dân ăn.

Có giai đoạn việc dỡ hàng bị chậm trễ trong lúc dân thiếu đói gay gắt, chính các ông Đỗ Mười, Đinh Đức Thiện và Đồng Sỹ Nguyên đều phải lần lượt xuống giải tỏa bằng kỷ luật quân đội.

Lãnh đạo các tỉnh trông vào nguồn lương thực từ cảng Hải Phòng cũng dồn về. Nhiều đêm đến 2g sáng họ còn đứng ở cảng. Nhưng họ vừa về Hà Nội tình hình lại như cũ, kể cả nạn ăn cắp bùng nổ. Công nhân quá khổ không trộm được nguyên bao thì dùng ống sắt, ống trúc chọc thủng bao bo bo, gạo cho chảy vào túi mình.

Tôi lớn lên, không biết bo bo là gì...

Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc- Nam
Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha
Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem
Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ...
...Rồi ngày tháng trôi
Bao đổi thay đến với cuộc đời
Thì trong trái tim tôi luôn tự hào là người VN
Màu cờ thắm tươi vẫn phấp phới với những cuộc đời
Lòng bồi hồi nhớ...

(Trích lời ca khúc Lá cờ 
của nhạc sĩ trẻ TẠ QUANG THẮNG)

_________

Khó thể tưởng tượng một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà thời ấy phải chạy vạy vay mượn lương thực nước ngoài.

Kỳ trước:

Kỳ tới: Vay gạo Indo, mượn lúa mì Ấn Độ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên