20/08/2016 10:24 GMT+7

Bờ biển Nha Trang 
thành “đô thị nén”

H.HIẾU - P.S.NGÂN - TR.TÂN - L.HOÀI
H.HIẾU - P.S.NGÂN - TR.TÂN - L.HOÀI

TTO - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đưa ra định hướng biến bờ biển Nha Trang thành một “đô thị nén”.

Khu phố ven biển Nha Trang - Ảnh: TIẾN THÀNH
Khu phố ven biển Nha Trang - Ảnh: TIẾN THÀNH

Theo dự thảo điều chỉnh cục bộ tại một số khu vực trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia vừa được đưa ra lấy ý kiến cư dân địa phương, có 12 khu vực được đề xuất điều chỉnh.

Không để lãng phí “không gian vàng”?

Không tính bốn khu vực phải khống chế độ cao xây dựng để bảo vệ không gian di tích và danh thắng, trong tám khu vực được đề nghị tăng độ cao xây dựng có đến sáu khu vực nằm ven bờ vịnh Nha Trang gồm: bến du thuyền quốc tế, bãi Hòn Chồng, cầu Trần Phú, quảng trường 2-4, quảng trường Đại Dương và công viên Bạch Đằng.

Chiều cao công trình ở các khu vực này được đề xuất điều chỉnh với ba mức: không giới hạn số tầng, tăng lên 60 tầng, giữ như cũ 40 tầng.

Cũng tại đề án này, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia khuyến nghị biến Nha Trang thành “cỗ máy du lịch” và cho rằng sự phát triển kinh tế du lịch tại Nha Trang thời gian qua cho thấy đã đến lúc nhận thức về không gian kinh tế của TP này như một “cỗ máy du lịch”.

Việc xây dựng một “đô thị nén” ở bờ vịnh Nha Trang nhằm phục vụ tối đa cho du lịch.

Theo thuyết minh của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, “việc kiềm chế phát triển một cách cứng nhắc tại dải không gian này là làm mất đi cơ hội tạo dựng phần xương sống của nền kinh tế đô thị”.

Trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9-2012, chiều cao xây dựng khu đô thị ven biển tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Nhâm, phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - đơn vị từng lập quy hoạch trên, cho rằng sau ba năm thực hiện quy hoạch, khu vực này có chuyển dịch đầu tư, dịch vụ tương đối sôi động.

Đặc biệt, sân bay Nha Trang cũ, khu hành chính đã được di dời, tạo động lực cho TP phát triển sang khu vực phía tây, tạo ra một quỹ đất lớn cho các công trình dịch vụ, du lịch dọc ven biển.

“Xu hướng hợp thửa, hình thành các lô lớn để xây dựng các công trình xuất hiện. Các nhà đầu tư nhắm tới những lô đất này để xây dựng những tòa nhà cao tầng” - bà Nhâm dự báo.

Do đó, theo bà Nhâm, đường bờ biển dài ôm lấy vịnh Nha Trang là mặt tiền lý tưởng để xây dựng mật độ cao các khách sạn, nhà hàng, công trình thương mại cao cấp.

Nhu cầu đầu tư vượt qua ngưỡng tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Chính phủ cho phép (mật độ xây dựng 40%, chiều cao tối đa 40 tầng) là rất lớn.

“Nếu chối bỏ xu hướng đầu tư, kể cả những dự án rất lớn, chúng ta mất đi những lợi thế vốn có trên dải đất ven biển này” - bà Nhâm nhận định.

Nên chọn mô hình đô thị du lịch sinh thái?

Trong văn bản góp ý kiến điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Nha Trang vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan liên quan, ông Trần Trọng Hanh - phó chủ tịch hội đồng kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam - đặt vấn đề rằng mô hình “đô thị nén” có rất nhiều ưu điểm nhưng đối với một nơi có bờ biển quyến rũ, danh thắng tuyệt vời như TP Nha Trang có nên áp dụng mô hình “đô thị nén” hay không?

“Phát triển du lịch bền vững ven biển là chủ trương của cả nước và thế giới, nên chăng việc quy hoạch TP Nha Trang cũng chọn mô hình đô thị du lịch sinh thái theo hướng bền vững” - văn bản đề xuất.

Hơn nữa, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mô hình “đô thị du lịch nén” không phải là mục tiêu hướng tới, bởi nhiều “TP du lịch nén” ven biển trên thế giới dù có đem lại một số thành công về kinh tế nhưng đã để lại những hậu quả đáng tiếc, trong đó có vấn đề số lượt du khách tại các dải ven biển vượt quá khả năng dung nạp.

Thay vì phát triển “đô thị nén” tại khu vực này, Hội Kiến trúc sư đề xuất cần phải hướng tới mô hình đô thị du lịch sinh thái bền vững như Hội An (Quảng Nam), Amanoi (Ninh Thuận), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan), Jeju (Hàn Quốc)...

“Các TP du lịch sinh thái trên đã thành công vì biết dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa bản địa và sự tham gia của cộng đồng. Nhờ vậy mới có các TP du lịch bền vững nổi tiếng thế giới đáng để học. Hơn nữa, việc quy hoạch đô thị cần phải tìm ra sự khác biệt mới thành công, đừng tạo ra những TP phi bản sắc” - Hội Kiến trúc sư khuyến cáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia quy hoạch đô thị cũng cho rằng Việt Nam có bờ biển dài với nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển nhưng nếu không biết khai thác đúng, tài nguyên này không chỉ lãng phí mà còn có nguy cơ bị hủy diệt.

Theo vị này, Chính phủ đã khẳng định “không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá” cũng như khuyến khích “tăng trưởng xanh, phát triển bền vững”, nên việc biến bờ biển Nha Trang thành “đô thị nén” là quan điểm cần cân nhắc thận trọng.

“Không thể nói rằng việc điều chỉnh này là cục bộ, không ảnh hưởng đến định hướng phát triển toàn đô thị” - vị này khẳng định.

Ông Ngô Trung Hải (Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia):

Không tạo áp lực về dân số

Mô hình khai thác du lịch hiện nay đã thay đổi, sử dụng mô hình Condotel (căn hộ khách sạn) rất phổ biến, người dân mua căn hộ nhưng không ở mà để kinh doanh du lịch.

Tại Nha Trang, rất nhiều chung cư ra đời theo mô hình này, người dân khai thác được lợi ích từ du lịch. Khách du lịch chỉ đến rồi đi, không tạo ra áp lực về dân số, không tăng thêm nhà trẻ, trường học, không có ôtô cá nhân...

Do đó, không lo quá tải về hạ tầng xã hội. Chỉ cần tổ chức lại chỗ đỗ xe và đường giao thông là thuận lợi ngay.

H.HIẾU - P.S.NGÂN - TR.TÂN - L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên