05/10/2024 08:21 GMT+7

Bỏ bệnh án giấy: Cần gỡ khó từ nhiều phía

Bỏ bệnh án giấy là điều cơ sở y tế rất muốn, bệnh nhân cũng rất mong. Việc này rất cần được ủng hộ, gỡ khó để làm nhanh.

Bỏ bệnh án giấy: Cần gỡ khó từ nhiều phía - Ảnh 2.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám bệnh bằng giấy - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Ngành y tế cần sự "tiếp sức"

Chuyển đổi số đang "gõ cửa" từng nhà, công nghệ lên ngôi, ứng dụng (app) VNeID đã hoàn thiện. Các ngành chức năng đã và đang hối hả cập nhật dữ liệu, thống nhất "gom" về một đầu mối tài khoản định danh điện tử đảm bảo khoa học, hiện đại, tiết kiệm.

Ngay cả bảo hiểm y tế đã được tích hợp vào VNeID, người dân giờ đây đi khám bệnh chỉ cần mở app trên điện thoại. Thẻ căn cước cũng áp dụng tương tự, giúp hành khách đi máy bay không cần mang theo giấy tờ tùy thân bằng giấy như trước. Điều này cũng thấy được ở nghề lái xe, các bác tài không phải mang theo lỉnh kỉnh giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe

Hàng chục ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đang trở thành trợ thủ đắc lực, giúp người dân ngồi tại nhà vẫn có thể thực hiện được nhiều thủ tục hành chính, không phải vất vả chạy đôn chạy đáo như trước. Vì thế, những giấy tờ có thể chuyển sang số hóa rất cần cho "nghỉ hưu" sớm. Sổ sức khỏe bằng giấy cũng nên được thay thế bằng sổ sức khỏe điện tử.

Nói đi cũng phải nói lại. Một số bệnh viện chia sẻ rằng rất muốn đưa công nghệ vào vận dụng trong khám chữa bệnh. Việc này sẽ giảm thiểu được đáng kể công sức, tiền bạc của bệnh nhân lẫn nhân viên y tế. Tuy nhiên, chỉ tính "sơ sơ" trong phạm vi một bệnh viện, muốn chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử tiêu tốn hàng chục tỉ đồng. Một khoản chi phí vượt quá khả năng của nhiều cơ sở khám chữa bệnh.

Nhẩm tính cũng dễ hình dung, phải đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, hệ thống cập nhật, lưu trữ tạo nên kho dữ liệu. Hàng loạt máy móc, trang thiết bị kèm theo... Tất nhiên không thể thiếu nhân lực vận hành. Không phải muốn là được, các bệnh viện đều rất nóng lòng đưa công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, song ngặt nỗi lực bất tòng tâm.

Chi phí trước mắt giữa in ấn bệnh án bằng giấy dù sao vẫn rất nhỏ bé, dễ tính toán hơn so với "tiền tỉ" nếu đầu tư ngay cho bệnh án điện tử. Đây chính là lý do cơ bản khiến nhiều cơ sở y tế dù không muốn vẫn phải duy trì phương pháp thủ công.

Tôi ở TP.HCM, mỗi lần khám tổng quát, người dân vẫn phải cầm trên tay xấp giấy dày cộp. Từ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng của bác sĩ, đến tờ phiếu in kết quả siêu âm, nội soi, phim X-quang. Tất tần tật vẫn cứ giống như cách đây nhiều thập niên.

Các loại giấy tờ tùy thân chỉ cần tích hợp lần đầu là đủ dùng lâu dài, nếu có thay đổi mới phải bổ sung, cập nhật thông tin. Còn bệnh án mỗi lần khám thường rất khác nhau, đương nhiên khác xa với chuyện bỏ hộ khẩu giấy.

Đó là chưa kể những bệnh nhân điều trị thời gian dài, ngày hôm nay so với hôm qua cũng có thể biến động dữ liệu, sẽ phải điều chỉnh nhiều lần. Cho nên, mong muốn là vậy, muốn số hóa bệnh án dù quyết tâm cũng cần có thời gian.

Bỏ bệnh án giấy: Cần gỡ khó từ nhiều phía - Ảnh 3.

Các bác sĩ nhập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân nhập viện điều trị lên hệ thống tại khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM sáng 3-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Khuyến khích "số hóa" cho cơ quan y tế rất cần có sự "tiếp sức", bằng nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở hạ tầng. Cũng nên tính đến yếu tố đặc thù. Đối với công việc khám chữa bệnh, sẽ không giống với nhiều lĩnh vực khác.
TRẦN VINH

Bệnh nhân cũng phải "tự nâng cấp"

Chỉ mới có 96/1.800 bệnh viện cả nước chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Con số cho thấy việc không dễ làm ngay với nhiều cơ sở khám chữa bệnh.

Bệnh nhân than phiền về việc phải nhận và giữ quá nhiều giấy tờ mỗi lần khám chữa bệnh. Nhưng thực tế cho thấy hầu hết bệnh nhân chưa thể quen với việc "số hóa" hồ sơ bệnh án.

Bạn bè tôi đi khám sức khỏe ở một bệnh viện tư tại TP.HCM đã khá bối rối khi bệnh viện không trả kết quả giấy như mọi năm. Thay vào đó, mọi người phải tải app của bệnh viện về điện thoại mới có thể xem được các chỉ số sức khỏe của mình. Lâu lâu muốn mở ra xem lại kết quả, không nhớ mật khẩu, lúng túng thao tác trên ứng dụng… tự nhiên lại thấy bất tiện hơn so với kết quả trên giấy như trước.

Tất nhiên, bệnh nhân phải thay đổi dần. Nhưng thực tế còn quá nhiều cái vướng. Nếu bệnh nhân đi khám nhiều bệnh, ở nhiều nơi, sẽ phải tải bao nhiêu ứng dụng? Bác sĩ bệnh viện này có thể tham khảo thông tin bệnh án của bệnh nhân từng khám chữa tại bệnh viện khác hay không, bằng cách nào? Điều này rất cần trong một số tình huống khẩn cấp, khi chính thân nhân cũng không thể cung cấp thông tin về bệnh trạng của người bệnh.

Vậy nên, số hóa bệnh án phải chấp nhận làm từng bước. Và cùng với sự đầu tư đổi mới của các bệnh viện cũng cần sự thay đổi đáp ứng từ phía bệnh nhân để quen dần với việc quản lý thông tin bệnh trạng của mình khi mọi thứ không còn in ra giấy.

Bỏ bệnh án giấy: Cần gỡ khó từ nhiều phía - Ảnh 3.Bao giờ 'khai tử' bệnh án giấy?

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 1.800 bệnh viện công lập và tư nhân nhưng tính đến đầu tháng 10-2024, mới chỉ 96 bệnh viện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên