Lý giải điều này, ông Quang cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vắc xin. Ông Quang cũng chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ một số vấn đề hiện đang được rất nhiều người quan tâm quanh câu chuyện vắcxin.
Sức khỏe cộng đồng là trên hết
* Là quốc gia cũng đang chạy đua sản xuất vắc xin, ông đánh giá thế nào trước thông tin nhiều quốc gia, đặc biệt Mỹ vừa tuyên bố ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ sản xuất) vắc xin COVID-19, thưa ông?
- Đây là đề xuất vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vắc xin cho tất cả các quốc gia, tránh tình trạng nước giàu tiếp cận được, còn nước nghèo thì không.
Đối với một số loại thuốc thông thường, việc bãi bỏ bản quyền có thể giúp các nước dễ dàng sản xuất. Nhưng với vắc xin lại đòi hỏi một quy trình, công nghệ, năng lực sản xuất đặc biệt không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng.
* Nhưng với Việt Nam, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội chứ?
- Đúng thế. Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có một hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vắc xin, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. Nếu được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vắc xin COVID-19 một cách cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vắc xin; có cơ hội lớn trong chủ động nguồn vắc xin cho chính mình và chia sẻ cho các quốc gia khác.
Mới đây Bộ Y tế đã họp với đại diện WHO để nhận chuyển giao công nghệ mRNA (công nghệ mà Moderna; Pfizer/BioNTech dùng bào chế vắc xin COVID-19). Đây là công nghệ được giới khoa học đánh giá không chỉ giúp nhân loại ứng phó với COVID-19 và các đại dịch về sau mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác…
* Có nhiều ý kiến cho rằng bản quyền vắc xin COVID-19 bãi bỏ có thể "đụng chạm" đến lợi ích của nhiều công ty dược, của nhiều quốc gia…
- Một loại vắc xin hoặc loại thuốc sản xuất với mục đích thương mại mới ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, trực tiếp là các công ty dược. Còn trong tình huống đại dịch khẩn cấp như hiện nay, phải khẳng định mục đích thương mại của vắc xin ngừa COVID-19 không phải là yếu tố cuối cùng, có nghĩa mục tiêu cao nhất của vắc xin là vì cộng đồng.
Với tính chất đại dịch, và trong một tình huống khẩn cấp như hiện nay, tôi cho rằng sản xuất vắc xin không còn là chuyện riêng của một doanh nghiệp, một quốc gia nào cả. Đây là vấn đề nhân đạo, về sức khỏe con người và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cho sức khỏe toàn cộng đồng.
* Ngoài sở hữu bản quyền sản xuất vắc xin, còn có bộ xét nghiệm hoặc thuốc điều trị COVID-19 đang được một số nước "ôm chặt"…
- Quan điểm của cá nhân tôi trong những trường hợp đại dịch như COVID-19 thì những tổ chức cao nhất về y tế như WHO hoặc Liên Hiệp Quốc phải có chính sách bãi bỏ toàn bộ những cái độc quyền. Bởi trong đại dịch vắc xin hay xét nghiệm hoặc thuốc điều trị được sản xuất không được đưa yếu tố thương mại lên hàng đầu, mà tất cả đều vì mục đích phục vụ cộng đồng.
Tiêm Nanocovax trong ngày đầu tiên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 - Ảnh: NAM TRẦN
Việt Nam rút ngắn chu trình sản xuất vắc xin
* Trở lại tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, ông có thể chia sẻ tính khả quan của các loại vắc xin nội như thế nào?
- Trong 3 đơn vị sản xuất vắc xin hiện nay (gồm Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen với Nanocovax, Viện Vắcxin và sinh phẩm Nha Trang với Covivac; vắc xin của Vabiotech - Công ty TNHH một thành viên Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế) thì cơ bản vắc xin của Nanogen là 1 trong 3 vắcxin ngừa COVID-19 nội địa mang tính khả thi cao nhất.
Dự kiến trong vài ngày nữa, Bộ Y tế sẽ làm nghiệm thu giai đoạn 2 và triển khai sớm giai đoạn 3. Và trong giai đoạn 3 vắc xin của Nanogen có thể sẽ được cấp phép sớm sử dụng cho người dân.
* Liệu chúng ta có thể rút ngắn thời gian sản xuất vắc xin được nữa không, khi mà dịch COVID-19 đang có dấu hiệu ngày một căng thẳng, thưa ông?
- Quan điểm của Bộ Y tế là có thể rút ngắn. Và trên thực tế chưa đầy một năm, việc sản xuất vắc xin ở Việt Nam đạt được kết quả rất khả quan ngoài mong đợi. Tuy nhiên, hiện nay việc rút ngắn chu trình sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thử nghiệm đầu giai đoạn 3. Còn nói rút ngắn ngay từ bây giờ thì hoàn toàn không được.
* Với một người dân Việt Nam được tiêm vắc xin nội, cụ thể là của Nanogen chẳng hạn thì việc mang "hộ chiếu vắc xin" xuất ngoại liệu có được các nước công nhận?
- "Hộ chiếu vắc xin" là một vấn đề toàn cầu, chúng ta còn phải bàn và thống nhất với các quốc gia, chứ không chỉ một quốc gia nào có thể quyết định được điều này. Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ "hộ chiếu vắc xin" với điều kiện tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin phải đạt một ngưỡng nhất định mới đảm bảo.
Ví dụ ở Mỹ, tỉ lệ người tiêm vắc xin đạt 50 - 60%, do đó việc sử dụng "hộ chiếu vắc xin"có giá trị về mặt dịch tễ. Nhưng ở các quốc gia tỉ lệ tiêm vắc xin thấp hoặc không tiêm thì "hộ chiếu vắc xin" không có giá trị nhiều.
Mục tiêu từ 2021 có vắcxin "Made in Việt Nam"
Đó là đề xuất của Bộ Y tế tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nghiên cứu, phát triển vắcxin phòng COVID-19.
Bộ Y tế đặt mục tiêu có vắcxin để phòng COVID-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của đất nước trong năm 2021; ngoài ra tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vắcxin bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm có đủ vắcxin từ năm 2022 trở đi.
Để đảm bảo các kế hoạch này, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vắcxin thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắcxin, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.
Tại sao tiêm đủ hai mũi vắcxin vẫn nhiễm COVID-19?
* Tiêm vắcxin để ngừa COVID-19 nhưng thực tế có nhiều trường hợp tiêm (đủ 2 mũi) vẫn nhiễm bệnh. Ông có thể đánh giá thêm về vấn đề này?
- Ở đây không thể đánh giá chất lượng vắcxin tốt hay không tốt mà phải hết sức cẩn trọng. Về nguyên tắc, vắcxin phải tiêm 2 mũi và hiệu giá kháng thể (hay còn gọi hiệu lực đáp ứng miễn dịch) thường phải xuất hiện vào ngày 48 hoặc 56 sau tiêm. Như vậy cho dù người được tiêm vắcxin nhưng có tiếp xúc với nguồn lây trước thời điểm vắcxin có hiệu lực đương nhiên vẫn bị lây bệnh. Lúc này do hệ thống miễn dịch chưa đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chống lại virus.
Việt Nam có vắcxin ngừa COVID-19 của Nhật?
Tiêm vắcxin của AstraZeneca cho nhân viên y tế tại TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
Nếu đàm phán thành công, Việt Nam có thể sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 song song với Nhật Bản và sau đó sẽ có dữ liệu sớm để xem xét cấp phép lưu hành. Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech, Bộ Y tế) đang được giao làm đầu mối triển khai dự án này. Đây có thể là vắcxin thứ 4 trong "rổ" vắcxin ngừa COVID-19 nội.
Hi vọng vắcxin Việt
Đến nay, Việt Nam nhận được khoảng 930.000 liều và đã tiêm 750.000 liều tính đến 7-5. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến ngày 10-5 sẽ có thêm lô vắcxin COVAX cung ứng về đến Việt Nam.
Tuy nhiên hiện tỉ lệ phản ứng sau tiêm (đại đa số là phản ứng nhẹ như sưng đau vị trí tiêm, sốt sau tiêm, đau đầu, buồn nôn, choáng...) khá cao, lên tới khoảng 30% và ngày 7-5 có một nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (An Giang) tử vong một ngày sau tiêm do sốc phản vệ. Vì vậy, tìm nguồn vắcxin để có đủ tiêm phòng dịch, vừa an toàn là vấn đề được người dân quan tâm và hi vọng lại đặt nhiều vào vắcxin nội.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đi tìm nhiều nguồn để có thể mua/chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, trong đó hi vọng nhiều nhất là vắcxin Nhật Bản, hiện đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Nhật. Một chuyên gia về vắcxin cho biết vắcxin này nghiên cứu, phát triển bằng công nghệ DNA (công nghệ gen), là công nghệ mới hiện nay, mới hơn so với công nghệ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 mà Việt Nam đang sử dụng. "Nếu đàm phán được, Việt Nam có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, song song là quá trình xem xét, cấp phép vắcxin này" - nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết.
"Vắcxin" hiện tại: 5K
Một vấn đề đang khiến tất cả mọi người lo ngại là virus gây COVID-19 đã biến chủng và thời gian gần đây không còn thấy chủng ở Vũ Hán trong số các ca bệnh. Một chuyên gia về vắcxin cho rằng hiện vắcxin đang có sử dụng chủng virus Vũ Hán làm "nguyên liệu", vắcxin này được cho là có thể ngừa chủng virus cũ và chủng Anh, nhưng có những hạn chế nhất định với chủng Ấn Độ, chủng Nam Phi, chủng Brazil là những chủng biến chủng có số mắc đông hiện nay.
Vì thế, nên tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắcxin hiện có để ngừa chủng virus cũ, chủng Anh, sau đó sẽ tiêm nhắc các vắcxin đang tiếp tục phát triển để ngừa chủng Ấn Độ, Nam Phi, đây là xu hướng có hiệu quả hiện nay - chuyên gia này cho biết.
Với vắcxin Việt Nam, các nhà sản xuất vắcxin cũng cho biết vắcxin có hiệu quả ngừa virus chủng Anh và chủng virus cũ, đồng thời đang đánh giá để có thể thử nghiệm, xem xét khả năng đối với chủng virus mới. "Như vắcxin ngừa cúm mùa virus cũng biến chủng và vắcxin cũng thích ứng với điều này" - vị chuyên gia chia sẻ.
Nhưng việc phát triển vắcxin đến đâu, phải tiêm mấy mũi, phòng được những chủng nào vẫn là câu chuyện ở phía trước. Trong lúc này, thực hiện 5K thật tốt trong lúc đợi vắcxin, có hi vọng cuối năm nay sẽ đủ vắcxin cho người Việt là việc đáng lưu ý nhất.
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay trong quý 2 này, đoàn của Bộ Y tế sẽ đi Nhật Bản để đàm phán chuyển giao công nghệ một vắcxin ngừa COVID-19 mới: vắcxin do Nhật Bản nghiên cứu, hiện cũng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
LAN ANH
Những nỗ lực với vắcxin COVID-19 của thế giới
* Ngày 7-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn dùng khẩn cấp với vắcxin COVID-19 của Hãng dược Sinopharm (Trung Quốc). Đây là một trong hai vắcxin COVID-19 chính của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người ở Trung Quốc và những nơi khác. Vắcxin của Sinopharm cũng là loại đầu tiên do một nước không thuộc phương Tây bào chế được WHO phê duyệt dùng khẩn cấp. (Reuters)
* Pfizer và BioNTech khởi động quá trình đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép cho vắcxin COVID-19 của họ được dùng cho người từ 16 tuổi trở lên. Hôm 5-5, Pfizer công bố vắcxin COVID-19 của họ đã được Canada cấp phép dùng cho thiếu niên từ 12-15 tuổi. Kể từ khi được FDA cấp phép dùng khẩn cấp, tới nay Pfizer và BioNTech đã phân phối 170 triệu liều vắcxin. (Businesswire)
* Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bắt đầu đánh giá về liệu pháp điều trị COVID-19 cho người trưởng thành và thanh thiếu niên bằng kháng thể đơn dòng VIR-7831 của Công ty GlaxoSmithKline (GSK). (Theo website của GSK)
* Anh sẽ đề xuất thêm một lựa chọn vắcxin khác ngoài vắcxin COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 40 tuổi sau những lo ngại về nguy cơ biến chứng máu đông. (Daily Telegraph và The Independent)
* Hãng Moderna hôm 6-5 cho biết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắcxin COVID-19 của họ ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 cho thấy hiệu quả phòng ngừa đạt 96% và không gây lo ngại nghiêm trọng nào về độ an toàn. Moderna đang thảo luận với các nhà quản lý dược của Mỹ để điều chỉnh nhóm tuổi được phép sử dụng vắcxin COVID-19 của họ. (Fiercepharma)
* Hôm 6-5, Nga phê chuẩn vắcxin Sputnik Light chỉ cần 1 liều tiêm (vắcxin COVID-19 Sputnik V tiêm 2 mũi). Loại vắcxin 1 liều tiêm này đã chứng minh đạt 79,4% hiệu quả theo phân tích dữ liệu 28 ngày sau khi tiêm. (Reuters)
D.KIM THOA
Các công ty nói gì?
Vắcxin ngừa COVID-19 Nanocovax, đây là vắcxin 100% Việt Nam và là 1 trong 3 vắcxin ngừa COVID-19 phát triển trong nước - Ảnh: D.PHAN
* Moderna: cho sử dụng nhưng chưa chắc các nước sản xuất được
Tháng 10-2020, Moderna đã ra tuyên bố khẳng định công ty không bảo vệ quyền về bằng sáng chế với vắcxin của mình trong đại dịch. Tuyên bố ngày 8-10 viết Moderna hiểu rằng quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu. Nhưng công ty cảm thấy có nghĩa vụ đặc biệt trong tình hình đại dịch về việc chia sẻ nguồn lực của mình để đại dịch nhanh chóng kết thúc. Vì vậy, công ty sẽ không bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ với những vắcxin COVID-19 được tạo ra để đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, công ty sẵn sàng cấp phép sở hữu trí tuệ của mình với các vắcxin COVID-19 cho các đối tác sau khi đại dịch kết thúc.
Tổng giám đốc điều hành của Moderna, ông Stéphane Bancel cho biết Moderna đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ mRNA (công nghệ dùng để sản xuất vắcxin COVID-19 của hãng) từ năm 2010 và có đột phá lớn năm 2015. Mặc dù vậy, công nghệ mRNA vốn hầu như không tồn tại trước đại dịch. Công nghệ này mới đến mức Moderna tin chắc rằng các công ty mới khác thậm chí không thể tuyển được người biết về mRNA đơn giản vì không có những người này trên thị trường lao động. Vì thế Moderna cho rằng các nước trên thế giới sẽ tiếp tục mua vắcxin COVID-19 "chính hãng" trong nhiều năm nữa ngay cả khi các bằng sáng chế về vắcxin được miễn bảo hộ.
Moderna cũng cho biết họ đã có sẵn nguyên liệu đầy đủ để sản xuất. Trong khi đó, các đối thủ của họ chắc chắn sẽ gặp hàng loạt trở ngại lớn nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất, chưa nói đến thực tế là nhiều công ty nghiên cứu về công nghệ mRNA vẫn chưa có sản phẩm thành công.
* Pfizer: phản đối vì lo thiếu nguyên liệu
Tổng giám đốc điều hành của hãng Pfizer Albert Bourla ngày 7-5 cảnh báo việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19 sẽ khởi động một cuộc chạy đua toàn cầu về nguồn nguyên liệu thô và đe dọa sự an toàn và hiệu quả trong sản xuất vắcxin COVID-19.
Cụ thể, theo ông Bourla, vắcxin của Pfizer cần đến 280 nguyên liệu khác nhau và những thành phần này do 19 quốc gia trên thế giới cung cấp. Nếu không có sự bảo hộ về bằng sáng chế, các đơn vị ít kinh nghiệm hơn Pfizer trong sản xuất vắcxin cũng sẽ nhảy vào mua nguyên liệu, dẫn đến sự cạnh tranh về các thành phần rất cần thiết này.
Vị CEO này dự báo việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ đe dọa đến dòng cung ứng nguyên liệu thô, mở ra một cuộc tranh giành các nguyên liệu đầu vào quan trọng mà cần thiết để bào chế vắcxin an toàn và hiệu quả. Khi đó, nhà sản xuất có kinh nghiệm có thể không mua đủ nguyên liệu để làm, trong khi những nhà sản xuất có ít hoặc không có kinh nghiệm lại tích lũy được nguyên liệu thô và chẳng ai được lợi gì từ việc này.
"Tại thời điểm này, hầu như mọi gram nguyên liệu thô sản xuất ra đều được chuyển ngay lập tức đến các cơ sở sản xuất của Pfizer và được sản xuất thành vắcxin để cung cấp cho khắp thế giới" - ông Bourla cho biết.
Ngoài ra, ông Bourla cũng cho rằng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin có thể sẽ không khuyến khích bất kỳ công ty nào chấp nhận rủi ro lớn khi đầu tư nghiên cứu phát triển nữa.
"Các nhóm lợi ích trong ngành dược gọi đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là "một hành động chưa từng có tiền lệ sẽ làm suy yếu các phản ứng toàn cầu với đại dịch và hi sinh tính an toàn của vắcxin" - ông Bourla nói.
Quỹ Bill & Melinda Gates trong tuyên bố cập nhật ngày 7-5 cho biết họ tin việc cứu nhiều mạng sống nhất có thể là cực kỳ quan trọng. Đại dịch COVID-19 đang tàn phá nhiều quốc gia và sự bất bình đẳng rõ rệt trong tiếp cận vắcxin COVID-19 nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ tất cả các rào cản hiện có trong tiếp cận vắcxin COVID-19.
Quỹ ủng hộ việc bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ với vắcxin COVID-19 trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, quỹ này cũng cho rằng chỉ riêng việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không đủ để cải thiện nguồn cung cấp vắcxin trên toàn cầu.
HỒNG VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận