Một CTV bán hàng online mất gần 50 triệu đồng sau khi bị lừa “ôm hàng” 40 thỏi son từ Công ty cổ phần mỹ phẩm V-Skin (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Không chỉ bị lừa ôm những đơn hàng lớn, mất số tiền hàng chục triệu đồng mà những nạn nhân sập bẫy cộng tác viên của các công ty còn phải giữ những mặt hàng rởm, kém chất lượng.
Bán hàng nhưng không biết hàng như thế nào
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị Y. (ở huyện Hoài Ân, Bình Định) cho biết cả làng chị không ít người bị lừa vào mạng lưới làm cộng tác viên bán hàng cho trang V-Skin Natural Cosmetics. Người bị lừa ít nhất cũng vài triệu đồng, có người lên đến vài chục triệu.
Bị lừa tiền nhưng ngay cả những sản phẩm bán cũng không khác gì đồ chơi dành cho trẻ. Khi biết mình bị lừa, chị Y. mới bắt đầu mở các hộp son ra thì phát hiện những thỏi son giá hơn 2 triệu đồng được làm bằng... nhựa nên không sử dụng được. Một số thỏi son làm bằng một thứ "giống như đất sét", đụng vào là gãy, và giữ lâu thì bốc mùi hôi rất khó chịu.
"Bị lừa mất tiền nhưng những sản phẩm này cũng không thể dùng được. Bọn chúng xây dựng cả một mô hình chỉ để lừa đảo, chứ không phải để kinh doanh mỹ phẩm như quảng cáo trên mạng xã hội hay thậm chí website riêng", chị Y. nói.
Với sản phẩm mặt nạ dưỡng da Hàn Quốc, Nhật Bản được quảng cáo chiết xuất từ sâm hay collagen đậm đặc... giá từ 299.000 đồng/miếng nhưng phải mua từ 3 hộp (tức 24 miếng) trở lên mới được giao hàng miễn phí nên nạn nhân nào cũng mất vài triệu đồng, trong khi mặt nạ này giá chỉ vài chục ngàn đồng và hạn sử dụng không có nên không ai dám xài.
Mạng lưới của trang V-Skin Natural Cosmetics vươn khắp nơi, đánh vào những khu vực làng quê, rất nhiều người bị lừa mất tiền đã không dám tố cáo mà chấp nhận im lặng vì xấu hổ, ngại bà con làng xóm.
Số nạn nhân của mạng lưới này phản ảnh đến Tuổi Trẻ ngày một đông với số tiền từ vài triệu, thậm chí có người còn khai bị lừa đến cả 200 triệu đồng.
Không giao dịch chuyển tiền với người lạ
Theo các chuyên gia, cuối năm là thời điểm bùng nổ các hình thức lừa đảo, đặc biệt năm nay là lừa đảo trên mạng. Các chiêu thức lừa đảo không hề mới nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân vào tròng vì cách thức thực hiện tinh vi trong khi nạn nhân không có kiến thức, hiểu biết về mạng.
Việc trao đổi thông tin giữa cộng tác viên và công ty bán hàng quá đơn giản, không gặp mặt trực tiếp, không có hợp đồng mà chỉ toàn online. Trong các giao dịch, nhóm lừa đảo lấy lý do không có nhiều thời gian, cần hàng gấp rồi hối thúc các cộng tác viên chuyển hàng ngay.
Để qua mặt, bọn chúng thường giả vờ tiến hành "chuyển tiền" vào ngày cuối tuần rồi lấy lý do ngân hàng không làm việc nên tiền chưa tới. Chúng còn làm giả giấy chuyển tiền đã được chỉnh sửa tinh vi rồi gửi cho nạn nhân.
Với những cách thức như vậy, kẻ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của nạn nhân và không ngừng len lỏi vào những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi người dân thiếu thông tin để lừa đảo.
Tuy không bị lừa vì tham gia mạng lưới cộng tác viên online nhưng anh C. (ngụ Q.7, TP.HCM) vừa mới tham gia bán hàng trên mạng liền bị những kẻ lừa đảo "hack" sạch số tiền có trong tài khoản.
"Có người liên hệ với tôi qua mạng xã hội muốn mua hai chai rượu để chuyển ra nước ngoài. Họ bảo chuyển tiền cho tôi thông qua một trang web, đưa tôi đường link để nhập thông tin tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Tôi vừa nhập xong thì tài khoản bị trừ hơn 20 triệu đồng". Dù báo ngay với ngân hàng nhưng đến nay anh C. vẫn chưa thể lấy lại khoản tiền đã mất.
Theo luật sư Vũ Quang Đức, thực tế khi giao dịch online, người mua chỉ nhìn thấy hình ảnh và đó có thể chỉ là hình ảnh tượng trưng chứ không phản ánh chính xác sản phẩm thật được rao bán cũng như danh tính của người đó. Qua điện thoại hay mạng xã hội, những tên lừa đảo có thể xưng một cái tên bất kỳ, vì vậy người dân không nên giao dịch với bất kỳ ai khi chưa thấy mặt, đặc biệt nếu phải giao dịch một số tiền lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận