06/11/2024 15:26 GMT+7

Bỏ 130 triệu đồng thuê thám tử, không manh mối, đòi lại tiền còn bị dọa dẫm

'Chị gái tôi cũng từng thuê dịch vụ thám tử trên mạng theo dõi ông anh rể ngoại tình. Tiền công từ đầu đến cuối là 130 triệu đồng', bạn đọc Phương Hà kể về sai lầm khi 'chọn mặt gửi tiền' của người thân.

Bỏ 130 triệu đồng thuê thám tử, không manh mối nhưng đòi lại tiền thì bị dọa dẫm - Ảnh 1.

Đại diện công ty thám tử (phải) chốt hợp đồng với một khách hàng sau khi giới thiệu các gói dịch vụ - Ảnh: YẾN TRINH

Sau loạt phóng sự thâm nhập Dịch vụ thám tử tư 'chui', Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ lo ngại về mặt trái của dịch vụ này.

Bán thông tin cho người bị theo dõi, ăn tiền hai đầu

Theo bạn đọc Phương Hà, chị gái của chị từng thuê dịch vụ thám tử trên mạng theo dõi ông anh rể ngoại tình. Tiền công từ đầu đến cuối là 130 triệu đồng, phía dịch vụ thám tử yêu cầu ứng trước 30 triệu đồng.

Bạn đọc này chia sẻ: "Nhưng họ làm không đâu vào đâu, cả tháng trời vẫn không có manh mối gì.

Hỏi thì họ đưa ra nhiều lý do rồi tự động bỏ ngang. Chị tôi đòi lại tiền thì họ giở giọng giang hồ, thách thức đủ kiểu. Mọi người nên cảnh giác".

Bạn đọc Đoàn Cường kể anh có người bạn là Việt kiều, dự định tiến tới hôn nhân với bạn gái trong nước. Bạn anh Cường nhờ thám tử theo dõi người yêu xem có vấn đề gì không trước khi quyết định cưới.

Ai ngờ anh thám tử này lại bán thông tin ngược lại cho phía cô gái để ăn tiền hai bên. Tình cờ bạn anh biết sự thật nhưng cũng không làm gì được.

Bạn đọc Hải kể: "Bà vợ giấu tui thuê thám tử, giám sát đứa con mới học lớp 10. Thám tử tay ngang, yếu nghề bị thằng nhỏ phát hiện.

Ngặt cái là nó không quậy tưng bừng, không đòi bỏ nhà đi bụi và đóng băng, không nói không rằng, ra vô đụng mặt như người dưng.

Bí quá tui phải nhờ thầy chủ nhiệm và ông nội nó từ quê lên làm công tác tư tưởng nó mới nguôi nguôi.

Truy hỏi bả mới khai là đã đưa tạm ứng cho thám tử hết 30 triệu đồng. Giờ đâu lấy lại được".

Nhiều bạn đọc bất ngờ trước những chiêu thức của các thám tử "chui".

Một bạn đọc cho rằng: "Vì làm chui nên đâu ai kiểm soát được chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của họ. Mấy ông xe ôm, nhân viên bị đuổi việc cũng có thể trở thành thám tử".

Bạn đọc Cao Tánh bày tỏ: "Nghề nhạy cảm nên giá cũng… cảm lạnh. Giá trên trời, muốn hét bao nhiêu thì hét, không có khung giá chung như những ngành nghề, dịch vụ khác.

Làm ăn thì không uy tín, cố tình dây dưa để ép khách. Mọi người cân nhắc nếu không muốn bị ăn trái đắng".

Độc giả Minh Đạm nhận định pháp luật quy định việc thu thập, sử dụng thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhưng thực tế, người hành nghề thám tử "chui" đâu có đợi người ta cho phép hay không.

Tương tự, bạn đọc Hùng Anh cho rằng các dịch vụ công ty thám tử cung cấp đều thuộc loại nhạy cảm, liên quan bí mật đời tư.

Bỏ 130 triệu đồng thuê thám tử, không manh mối nhưng đòi lại tiền thì bị dọa dẫm - Ảnh 2.

Thông tin dịch vụ thám tử có vẻ rất bài bản, chuyên nghiệp nhưng nhiều người thực chất lại là dân... chạy xe ôm - Ảnh: YẾN TRINH

Sao dễ dàng trao tiền?

Theo bạn đọc Hải Hà, xét về mặt tích cực, dịch vụ thám tử đáp ứng nhu cầu có thật trong xã hội.

Bạn đọc Chí Huệ cho biết: "Ở nhiều nước, nghề thám tử được công nhận như một nghề hợp pháp. Họ hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của luật pháp.

Họ được đào tào bài bản về mặt chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp".

Theo độc giả Ngô Phong "thám tử nước ngoài hoạt động độc lập, có thể giúp cảnh sát phá án, tìm ra sự thật".

Bạn đọc Phương thấy rằng dịch vụ này là nhu cầu xã hội có thật, cần thừa nhận nhưng phải đưa vào khuôn khổ, luật hóa chứ không để tình trạng hoạt động chui như hiện nay.

Đồng tình, độc giả Lê Triệu đề xuất cần đưa nghề này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện với những quy định, ràng buộc pháp lý rõ ràng, đi kèm mức chế tài cụ thể.

Tuy nhiên, người có ý định sử dụng dịch vụ thám tử nên cẩn trọng, đừng vội vàng thuê dịch vụ để ân hận về sau.

Trong khi đó, bạn đọc Định cho rằng chưa nên đưa nghề thám tử như một ngành nghề kinh doanh khác. Nó chưa cần thiết cho xã hội. Ngược lại gây phiền toái, bất ổn là đằng khác.

Bạn đọc Thu Hoài thẳng thắn: "Con cái không quản được mà giao trách nhiệm cho một người không quen biết, không địa chỉ rõ ràng kèm theo một túi tiền thì đáng phải suy nghĩ".

Bạn đọc Minh Trưởng cùng chung ý kiến: "Giao dịch ở quán cà phê, tiền giao vài chục triệu đồng mà không biết công ty có thật không, làm ăn ra sao".

"Giao tiền cho họ, họ không làm gì hết hoặc vẽ vời ra chuyện thì sao mình biết? Mà có biết cũng làm gì được họ. Chỉ vậy thôi đã thấy khách luôn nắm đằng lưỡi rồi" - bạn đọc Phùng Bách bày tỏ.

Bỏ 130 triệu đồng thuê thám tử, không manh mối nhưng đòi lại tiền thì bị dọa dẫm - Ảnh 5.Dịch vụ thám tử tư 'chui' - Kỳ 4: Khi thám tử trở mặt thành xã hội đen

Nhắc chuyện thuê thám tử giải quyết việc làm ăn, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạ lộ rõ sự mệt mỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên