Hình minh họa con bò Phố Wall đang tiến vào Trung Quốc - Ảnh: BLOOMBERG
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng vào mùa hè năm 2021, giám đốc điều hành Jamie Dimon của Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) cho biết ông muốn đến Hong Kong càng sớm càng tốt. Ông Dimon đã thực hiện điều đó vào tháng 11-2021, trở thành giám đốc ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Chuyến đi của ông Dimon đến trung tâm tài chính châu Á kéo dài 32 giờ, để cảm ơn hàng nghìn nhân viên ở đây. Hành động này cũng thể hiện sự cam kết của ngân hàng đối với Trung Quốc, nơi JPMorgan có khoảng 20 tỉ USD, chủ yếu từ cho vay, tiền gửi, giao dịch và đầu tư.
Theo Hãng tin Bloomberg, bước vào năm 2022, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley xin giấy phép thành lập 5 chi nhánh mới ở Trung Quốc. Các chi nhánh của Ngân hàng Goldman Sachs tại nước này đã tăng số nhân viên lên gấp đôi.
Ngân hàng Citibank cũng nộp đơn xin giấy phép thành lập ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán vào tháng 12-2021, đồng thời có kế hoạch xin giấy phép bổ sung thêm 100 nhân viên tại quốc gia này vào năm 2022.
Muốn dự phần vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các ngân hàng Mỹ đang chuyển hướng sang tiếp cận những nhà cho vay hàng đầu của Trung Quốc ngay trên "sân" của họ.
Ông Gokul Laroia, giám đốc điều hành hoạt động khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley, cho biết: "Các ngân hàng toàn cầu chưa kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại có tiềm năng tăng giá rất lớn".
Phố Wall từ lâu đã coi Trung Quốc là nơi kiếm tiền tuyệt vời và năm 2021 là năm các khoản đầu tư khổng lồ của các công ty bắt đầu đơm hoa kết trái. Các ngân hàng nước ngoài vừa được Trung Quốc trao toàn quyền kiểm soát các liên doanh và thành lập các doanh nghiệp quản lý tài sản của riêng họ.
Tuy nhiên, trước đó Bắc Kinh đã tước của các ngân hàng JPMorgan và Citibank gần 400 triệu USD tiền phí.
Mỹ cũng đang tăng cường các quy định về công khai tài chính đối với các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Mặc dù sự đóng băng tài chính ở New York có thể chỉ là tạm thời, rõ ràng là các công ty Trung Quốc ít có nhu cầu huy động tiền ở nước ngoài hơn. Lúc này các công ty có thể dễ dàng niêm yết tại Hong Kong hoặc thông qua các sàn giao dịch đang phát triển ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến.
Bảng xếp hạng giao dịch cho thấy các ngân hàng nước ngoài đã không xâm nhập đáng kể vào Trung Quốc sau nhiều năm cố gắng. Theo dữ liệu của Bloomberg, Goldman Sachs đứng thứ 15 về huy động vốn cổ phần trong nước của Trung Quốc vào năm 2021. Các ngân hàng nước ngoài chưa bao giờ tham gia vào được thị trường trái phiếu địa phương.
Các chủ ngân hàng toàn cầu cho biết họ chỉ bắt đầu với các giấy phép hoạt động mới, và việc chiếm được một phần nhỏ trong thị trường 45.000 tỉ USD sẽ dẫn đến khả năng thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận