Các bé gái 14-15 tuổi ở nhà đã bấm nút đăng ký vé BlackPink ngay đúng 12h trưa 7-7, nhưng vẫn thất vọng ê chề khi không tài nào có được tấm vé mơ ước.
Các bé biết rằng ngoài cạnh tranh với hàng ngàn fan hâm mộ đồng cảnh ngộ trong nước thì còn phải "đọ súng" với vô số khán giả nước ngoài, chưa kể là cuộc chiến không cân sức với lực lượng "phe vé" trong tay có đầy đủ công cụ công nghệ và cả mối quan hệ...
Hồng Đen gây bão nơi này
Báo đài hăng hái cho biết vé bán lại (vẫn thường được gọi vé chợ đen) đang được cánh đầu cơ nhỏ lớn rao bán tràn lan, đặc biệt vé "giá rẻ" cháy hàng.
Hai loại vé hạng bét mà cô con gái bé bỏng học lớp 8 của tôi tiếc ngẩn ngơ hôm qua có giá chính thức là 1,2 triệu hoặc 2 triệu đồng/vé, không biết nay được thổi lên bao nhiêu?
Tôi vẫn quyết định cho cháu ra Hà Nội chơi nếu thích - và có thể đến đứng ngoài sân Mỹ Đình hít thở không khí K-pop ngay tại Việt Nam - chỉ để có dịp "nói rõ" cho con nghe về "đường lưỡi bò" phi pháp cũng lùm xùm theo nhịp điệu "hồng đen" đang gây bão.
Ở một diễn biến khác, thể thao quốc tế lại đang rất nóng trước thềm World Cup bóng đá nữ 2023.
Truyền thông New Zealand hồ hởi đưa tin về trận giao hữu trước giải, giữa tuyển Việt Nam và tuyển chủ nhà, sẽ diễn ra vào lúc 17h30 (tức 12h30 giờ Việt Nam) ngày 10-7 trên sân McLean Park.
Theo NZME, vé xem trận đấu này mở bán từ 28-4 và thu hút sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ nước chủ nhà. Giá vé với người lớn là 15 USD, trẻ em 5 USD. Ban tổ chức dành chỗ ngồi đặc biệt cho cổ động viên đi theo nhóm với giá 3,577 USD/nhóm.
Truyền thông Việt Nam cho biết trận đấu cũng đang gây sốt vé tại Nam bán cầu.
Có lẽ do tính chất trận giao hữu như màn tổng duyệt cuối cùng của đội tuyển nữ New Zealand trước khi bước vào vòng chung kết World Cup Nữ 2023 nên người dân háo hức chờ đợi.
World Cup cũng là một cụm từ được chờ đợi, là giấc mơ từ lâu ở Việt Nam. Dù được quan tâm đầu tư sớm và nhiều hơn nhưng giấc mơ ấy với đội tuyển bóng đá nam quốc gia hiện vẫn là một đích đến còn rất xa.
Trong khi đó, có những thời điểm "thiếu cả quần" để mặc ra sân cỏ, những nữ tuyển thủ nước mình lại đã đường bệ bước vào sân đấu lớn nhất hành tinh.
Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của ngành công nghiệp K-pop trong việc thúc đẩy nền văn hóa và kinh tế của đất nước.
Họ nhận thức rằng K-pop không chỉ là dòng sản phẩm giải trí mà còn là thứ "hàng hóa mềm" góp phần quan trọng vào xuất khẩu văn hóa và thu hút du khách quốc tế.
Chính sách dài hơi nào cho các cô gái kim cương xứ ta?
Hàn Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển như tài trợ cho các công ty giải trí, đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu âm nhạc, tạo điều kiện thuận lợi cho các buổi diễn và sự kiện K-pop, cũng như đẩy mạnh hợp tác và trao đổi văn hóa K-pop với các quốc gia khác.
Tuy nhiên vẫn có tranh cãi giữa K-pop và văn hóa truyền thống. Mặc dù thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới, nhưng một số người cho rằng K-pop đã tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thống Hàn.
Các nhà phê bình cho rằng K-pop thường áp dụng phong cách âm nhạc, xu hướng thời trang và thẩm mỹ phương Tây, lo ngại K-pop có thể pha loãng hoặc bóp méo các giá trị truyền thống để chỉ còn một mục tiêu duy nhất là hướng tới hình ảnh hấp dẫn toàn cầu và thắng lợi về mặt thương mại mà thôi.
Ngược lại, người đánh giá cao K-pop thì xem đây như một hình thức xuất khẩu văn hóa thể hiện tài năng và sự sáng tạo của Hàn Quốc trên phạm vi toàn cầu.
K-pop cũng được cho là đã thúc đẩy sự quan tâm đến ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc, dẫn đến tăng cường du lịch và trao đổi văn hóa.
Tranh cãi xung quanh K-pop và văn hóa truyền thống Hàn Quốc phản ánh sự cân bằng giữa thành công thương mại, sức hấp dẫn quốc tế với bảo tồn di sản văn hóa.
Một cuộc thảo luận phức tạp đã, đang và tiếp tục diễn ra trong xã hội Hàn Quốc để có thể K-pop ngày càng rực rỡ mà cốt cách hơn.
Thế mà đến giờ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chẳng nhận được, hoặc ít ỏi, sự bàn luận sâu xa, nghiêm túc (chí ít là các chính sách) cho tương lai dù công nghiệp họ tạo ra đã tương đối đồ sộ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận