TTCT - Tiền kỹ thuật số mà tiêu biểu là bitcoin lại trở thành đề tài nóng sốt trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự râm ran này khác gì với khi nó khiến báo chí tốn giấy mực cách đây gần bốn năm? Chọn mốc gần bốn năm là bởi bitcoin bắt đầu gây chú ý cho thế giới chứ không chỉ riêng cộng đồng công nghệ hay một nhóm nhỏ các nhà “đào” tiền ảo vào cuối tháng 11-2013, khi đồng tiền kỹ thuật số này lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD. Bitcoin sau đó tiếp tục biến động, thăng không ít mà trầm cũng nhiều. Dù từng có lúc trượt xuống chỉ còn 200 USD/BTC (tháng 3-2015), bitcoin liên tục lập các mốc mới từ sau nửa đầu năm nay - lần đầu tiên vượt mốc 3.000 USD hôm 12-6, rồi lên trên 4.600 USD ngày 31-8 và gần nhất là kỷ lục 5.000 USD/BTC ngày 1-9. Vào thời điểm năm 2013, người ta nói nhiều đến công nghệ đằng sau tiền điện tử, vì sao nó lại tăng giá như thế, làm cách nào để đào bitcoin và xen giữa đó là những lời cảnh báo rủi ro từ giới chuyên gia. Giờ đây, sau gần bốn năm nhìn lại, các cuộc tranh luận về tiền kỹ thuật số vẫn xoay quanh hai hướng chính: hình thức tiền mới này sẽ thay thế tiền truyền thống (được các chính phủ công nhận) và hệ thống ngân hàng hiện nay, hay sẽ sụp đổ như cách các công ty Internet phá sản khi bong bóng dot-com hình thành và tan vỡ nửa cuối thập niên 1990? Ảo ảnh và trò đùa? Tỉ phú Warren Buffett, người nổi tiếng với các quyết định đầu tư sáng suốt, được Đài CNBC hỏi ý kiến về bitcoin năm 2014 và ông không ngại ngần kêu gọi mọi người “hãy tránh xa nó”. Buffett gọi bitcoin (khi đó giá 800 USD/BTC) là “ảo ảnh” và chỉ là một phương thức để chuyển tiền, giống như séc ngân hàng, không hơn không kém. “Tôi hi vọng bitcoin sẽ làm tốt (việc chuyển tiền) hơn séc một chút, (nhưng) ý tưởng rằng (bitcoin) có giá trị nội tại lớn chỉ là một trò đùa, theo quan điểm của tôi” - nhà tỉ phú nói với CNBC. Chính CNBC đã nhắc lại câu chuyện này trong bài viết ngày 7-9 năm nay, sau khi bitcoin đạt đỉnh mới 5.000 USD, chỉ để nói rằng ba năm từ ngày tỉ phú Mỹ chỉ trích bitcoin, giá trị của đồng tiền ảo phổ biến nhất này đã tăng gần 7 lần! “Chỉ riêng năm nay, đến thời điểm này, đồng tiền ảo này đã tăng 380%” - bài báo viết, dẫn dữ liệu từ CoinDesk. Tỉ phú Buffett hiện có một số “đồng minh” mới, gồm một nhà tỉ phú nổi danh khác và một kinh tế gia từng đoạt giải Nobel, những người xem bitcoin là “trào lưu vô căn cứ”, là “mô hình kim tự tháp” (như đa cấp) và “bong bóng đầu cơ”. “Theo quan điểm của tôi, tiền kỹ thuật số không khác gì hơn là một trào lưu vô văn cứ (hay thậm chí là mô hình đầu tư kim tự tháp) do nó dựa trên việc làm tăng giá của những thứ chẳng đáng gì hơn là số tiền mà mọi người sẵn sàng trả cho nó” - tỉ phú Howard Marks, đồng chủ tịch Công ty đầu tư Oaktree Capital, viết trong thông điệp gửi khách hàng hồi tháng 7. Marks kêu gọi khách hàng tránh xa thứ “mốt” nhất thời đó và so sánh cơn sốt tiền ảo với bong bóng Internet hồi năm 1999. Tuy nhiên, đến ngày 7-9, tỉ phú Marks thay đổi quan điểm một chút, thừa nhận bitcoin có thể được sử dụng hợp pháp như một hình thức thanh toán khả thi, song vẫn nhấn mạnh “tôi vẫn không muốn bỏ tiền vào đó vì tôi cho rằng nó là một bong bóng đầu cơ”. “Những người ủng hộ bitcoin nói với tôi rằng bitcoin nên được xem là một loại tiền tệ - một phương tiện thanh toán - thay vì một tài sản đầu tư - Marks viết trong thư gửi nhà đầu tư mới nhất - (Họ) cho rằng bitcoin đủ tiêu chuẩn để làm một đồng tiền và điều đó thật sự có vẻ đúng. Tuy nhiên, nhà tỉ phú vẫn cảnh báo việc tạo ra các đồng tiền điện tử tương tự là không có giới hạn và nhắc chuyện bong bóng dot-com để so sánh. Marks cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đầu tư vào đầu cơ: “Đầu tư nghiêm túc bao gồm việc mua một thứ vì giá của nó hấp dẫn và có liên quan đến giá trị nội tại của nó, trong khi đầu cơ xảy ra khi người ta mua một thứ mà không cần cân nhắc nó có giá trị nội tại hay mức giá đó có hợp lý hay không”. Nhắc đến bong bóng đầu cơ, không thể không nói đến Robert Shiller, giáo sư kinh tế Đại học Yale danh tiếng và là chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2013. Giáo sư Shiller nổi tiếng với quyển sách Irrational Exuberance (tạm dịch Hưng phấn phi lý), phân tích nguyên nhân khiến người ta “lên đồng” và đổ tiền làm tăng giá mọi thứ vượt qua giá trị thật của nó. Với mô hình đó, Shiller đã dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng bong bóng dot-com hay khủng hoảng nhà đất ở Mỹ. Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1-2014, giáo sư kinh tế này cho rằng tiền điện tử là “ví dụ quá chuẩn” cho bong bóng đầu cơ và trong bài phỏng vấn hôm 6-9 với trang Quartz, ông cho rằng “bitcoin là ví dụ minh họa bong bóng đầu cơ tốt nhất vào lúc này”. Giáo sư Shiller cho rằng mọi bong bóng đầu cơ đều được thúc đẩy bằng một câu chuyện đằng sau nó và với bitcoin cũng thế. Bong bóng dot-com bùng nổ và vỡ bởi câu chuyện rằng “Internet sẽ làm thay đổi thế giới”, còn với bitcoin là nỗi sợ hãi của nhiều người rằng “trong thế giới liên tục được số hóa và vi tính hóa này sau 10, 20 hay 30 năm nữa, ta có còn việc làm không hay có gì trong tay không?”. “Bằng cách nào đó, đầu tư vào bitcoin cho người ta cảm giác rằng ồ tôi hiểu thế giới này, tôi có thể đầu cơ bây giờ và giàu có sau này - Shiller nói với Quartz - Tham gia cuộc đua bitcoin giúp người ta giải quyết nỗi lo lắng về tương lai của mình trong thế giới số”. Giáo sư Shiller nhấn mạnh không phủ nhận sáng kiến và công nghệ tiền điện tử, song cảnh báo người ta hơi nhiệt tình quá mức với bitcoin. “Hãy luôn nhớ rằng (bong bóng bitcoin) có nhiều rủi ro vì sẽ luôn có những đồng tiền (điện tử) hay các ý tưởng khác xuất hiện và làm lu mờ bitcoin” - kinh tế gia đoạt giải Nobel khẳng định. Theo trang bitcoin.com, đồng tiền này được gọi là digital cash (tiền kỹ thuật số) và cryptocurrency (tiền mã hóa). Cách gọi tiền điện tử (electronic money) hay tiền ảo (virtual money) có thể chấp nhận nhưng cũng dễ gây nhầm lẫn. Tiền thật trong tài khoản ngân hàng của mỗi người sẽ có phiên bản điện tử tương ứng dùng để thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, tiền ảo thường được dùng để chỉ tiền không có phiên bản vật lý ngoài đời thật mà chỉ dùng trên mạng (ví dụ hệ thống tiền ảo để mua bán vật phẩm trong game trực tuyến). Thay thế? Dù các chuyên gia hàng đầu vẫn giữ cái nhìn kém lạc quan với tiền kỹ thuật số, tiền ảo vẫn tiếp tục có thêm “người hâm mộ” và nhiều diễn biến lạc quan khác. Giá trị vốn hóa của hơn 800 loại tiền kỹ thuật số hiện có đã tăng từ 10 tỉ USD hồi đầu năm lên đến 160 tỉ USD hồi cuối tháng 8, theo trang CoinMarket Cap. Trong khi nhiều người cho rằng tiền kỹ thuật số không có giá trị thực, nhiều người lại cho rằng nó thậm chí có thể khiến nhà băng thành dĩ vãng bởi bitcoin hay các đồng tiền ảo khác không chịu sự quản lý của bất cứ ngân hàng trung gian nào. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Trung tâm Cambridge Centre for Alternative Finance ước tính có ít nhất 3 triệu người dùng tiền điện tử như một hình thức thay thế tiền mặt (tức thực sự dùng để thanh toán) thay vì chỉ đầu tư và chờ thời. Trang Information Age ngày 6-9 còn đặt câu hỏi “Liệu bitcoin sẽ là tương lai của đầu tư bất động sản?”, sau khi hai doanh nhân Anh Baroness Michelle Mone và Douglas Barrowman khởi công dự án căn hộ cao cấp trị giá 250 triệu bảng ở Dubai và rao bán mỗi căn hộ với giá 30 bitcoin. Trang tin chuyên về tương lai của thế giới công nghệ Futurism thậm chí còn nghĩ đến tương lai tiền kỹ thuật số thay thế luôn tiền mặt. Theo Futurism ngày 12-8, bitcoin và tiền kỹ thuật số đang có nhiều ưu điểm, chẳng hạn giá trị khó bị thao túng hơn tiền hiện tại và không cần các khâu trung gian khi áp dụng thanh toán điện tử (ví dụ các hãng thẻ tín dụng như visa). Tiền kỹ thuật số cũng giúp việc chuyển tiền xuyên biên giới dễ dàng hơn bao giờ hết. “Một khi tiền điện tử có thể vượt tiền thông thường về độ sử dụng, tiền mặt sẽ không thể “san bằng tỉ số”” - Futurism viết. Trong khi đó, tác giả Cade Metz viết trên WIRED ngày 1-6 bitcoin sẽ “không bao giờ là một loại tiền tệ”, mà sẽ là “một thứ kỳ quặc hơn nhiều”. Metz cho rằng người bình thường sẽ không bao giờ dùng bitcoin để mua bán, đặc biệt là Mỹ hay các nước phương Tây, do lẽ “thế giới không cần thêm một đồng tiền ảo nào khi đã có thể dễ dàng thanh toán bằng đôla nhờ thẻ tín dụng, Internet và các dịch vụ trên smartphone”. Tác giả cũng cho rằng con đường trở thành một loại tiền tệ của bitcoin chắc chắn sẽ gặp nhiều rào cản pháp lý, thậm chí cả văn hóa. “Hiện nay, bitcoin hữu ích chủ yếu là vì nó giống như phiên bản số của vàng - tức một hình thức đầu tư - Matz giải thích - Bitcoin ngày càng tăng giá theo cùng cách thức thị trường đầu cơ kim loại quý hoạt động: Giá tăng vì người ta nghĩ giá sẽ còn tăng nữa”. Bài viết trên WIRED cũng dẫn lời Olaf Carlson-Wee, chuyên gia Công ty chuyên kinh doanh bitcoin Coinbase (Mỹ), cho biết sẽ là sai lầm nếu so sánh tiền điện tử với các đồng tiền truyền thống. Carlson-Wee cho rằng bitcoin hay tiền điện tử vẫn sẽ có giá trị, nhưng không phải “một đồng tiền mới, một loại vàng hay chứng khoán mới” mà là một thứ mới mẻ hoàn toàn, tạo ra các “hiện tượng tài chính chưa từng có trước đây”. Theo đó, công nghệ blockchain cho phép tiền ảo hoạt động không cần ngân hàng trung tâm có thể được áp dụng cho các hình thức kinh doanh, tài chính khác để đạt được cùng mục đích: không có trung gian, không ai nắm quyền quản lý tối thượng, nhưng các giao dịch đều thông suốt và an toàn.■ Trung Quốc cấm hình thức gọi vốn bằng tiền ảo (ICO - thay vì phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thì kêu gọi góp vốn bằng tiền ảo để... tạo ra tiền ảo mới) và tin đồn cấm luôn cả sàn giao dịch tiền ảo khiến hàng loạt đồng tiền tuột giá mạnh. Cho đến 10 ngày đầu tiên của tháng 9, giá trị các đồng tiền ảo top đầu là bitcoin (4.085/BTC), ethereum (285,53/ETH) và bitcoin cash (527,55/BCH), theo trang coinmarketcap.com. Tags: BitcoinTiền ảoTiền điện tửTiền kĩ thuật số
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).